Dùng vỏ cam, quýt, bưởi
Trong vỏ của các loại quả cam, quýt, bưởi hoặc chanh có chứa một lượng axit nhất định. Bên cạnh tác dụng xua đuổi muỗi, chúng còn có thể hỗ trợ việc loại bỏ các loại nấm mốc gây mùi trong giày. Đồng thời, lượng tinh dầu này còn có tác dụng cải thiện và tạo cho đôi giày của bạn một mùi thơm dễ chịu.
Để thực hiện phương pháp này, bạn chỉ cần giặt sạch và sấy khô giày, sau đó nhét vỏ cam, quýt,… vào rồi để khô tự nhiên là xong.
Sử dụng muối trắng
Khi giày có mùi khó chịu, bạn có thể lấy một ít muối trắng gói vào một túi vải nhỏ hoặc một mảnh giấy ăn rồi đặt vào bên trong giày từ 8 – 10 tiếng. Túi muối sẽ có công dụng hút ẩm, đánh bay mùi hôi, đồng thời tiêu diệt các vi khuẩn nấm mốc. Để đạt hiệu quả tối đa, bạn cần đảm bảo muối thật khô. Cách nhanh nhất chính là đem muối rang khô rồi mới cho vào giày.
Túi lọc trà
Trong trà có chứa tannin, một chất có tác dụng diệt các loại vi khuẩn, nấm mốc tích tụ trong giày và giúp loại bỏ mùi hôi. Để khử mùi cho giày bằng cách này, bạn chỉ cần ngâm 2 gói trà túi lọc vào nước sôi để kích hoạt các tannin hoạt động.
Sau 5 phút lấy túi trà ra để nguội rồi đặt vào lòng mỗi chiếc giày một túi. Chỉ trong vòng khoảng 2 tiếng, chất tannin sẽ hấp thụ mùi hôi, đồng thời khử trùng cho giày của bạn. Cuối cùng, hãy dùng khăn hoặc vải lau sạch giày nhé.
Dùng phấn rôm em bé
Sử dụng phấn rôm là cách phòng ngừa hiệu quả mà bạn có thể thực hiện trước khi mang giày để giữ cho chúng không bị bốc mùi. Theo đó, nếu bạn thường bị ra mồ hôi chân, hãy chà phấn rôm trẻ em lên bàn chân hoặc rắc vào giày trước khi xỏ chân vào. Cách này sẽ giữ cho chân bạn khô ráo cả ngày.
Loại bỏ mùi hôi giày bằng Baking soda
Baking soda có rất nhiều công dụng, nổi bật trong số đó không thể không kể đến khả năng tẩy rửa và khử mùi. Bạn chỉ cần rắc 3 – 4 thìa baking soda trực tiếp vào bên trong giày và để qua đêm. Tuy nhiên bạn cần lưu, đây là một chất có tính ăn mòn, vì thế không phù hợp sử dụng cho giày da bởi nó có thể làm bong tróc lớp da của giày.
Hút ẩm giày bằng phèn chua
Đây là nguyên liệu có tính kháng khuẩn và khử trùng rất tốt, được sử dụng phổ biến trong Đông y. Với tính chất này, phèn chua cũng thường được dùng để khử mùi hôi của giày.
Để thực hiện, bạn cho vài cục phèn chua vào cối giã nhỏ rồi mang đun với lửa nhỏ cho đến khi phèn dần chuyển sang dạng lỏng, sau đó là dạng bột. Dùng bột phèn chua rắc vào giày để khử mùi hôi (tương tự như baking soda).
Phơi giày dưới nắng
Với tác động của ánh nắng mặt trời, các loại vi khuẩn gây mùi trong giày sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên để không làm ảnh hưởng đến chất lượng giày, chỉ nên phơi nắng trong 15 – 20 phút thôi nhé. Đây cũng chính là cách trị giày bị hôi nhanh gọn và đỡ tốn thời gian nhất.
Tận dụng bã cafe
Đây chính là loại nguyên liệu thần thánh có tác dụng khử mùi hôi, không chỉ loại bỏ mùi khó chịu trong toilet, tủ lạnh hay chai lọ, bã cafe còn có công dụng tương tự đối với giày dép.
Hãy cho bã cafe vào túi vải nhỏ, sau đó để vào bên trong giày. Bạn sẽ nhận thấy hiệu quả ngay vào sáng hôm sau, khi đó mùi hôi giày sẽ hoàn toàn biến mất, thay vào đó là mùi hương thơm ngát của cafe.
Giấy báo cũ
Ít ai ngờ rằng những tờ báo cũ lại có tác dụng tuyệt vời trong việc hút ẩm, hút mùi. Chỉ cần vo tròn rồi nhét đầy vào bên trong giày rồi để qua đêm, sáng mai bạn sẽ thấy điều kỳ diệu. Đó cũng chính là lý do vì sao các cửa hàng thường nhét giấy báo vào giày hoặc túi xách. Bạn cũng có thể nhỏ vài giọt nước hoa lên những tờ giấy báo trước khi nhét vào, cách này sẽ giúp tạo cho đôi giày của bạn một mùi thơm dễ chịu.
Với những cách làm đơn giản được chia sẻ trên đây, hy vọng bạn sẽ khắc phục được tình trạng hôi giày và tự tin trong từng bước chân mỗi ngày.
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)