Người đàn Ông Ấn Độ mỗi ngày trồng 1 cây, sau 40 năm nhìn lại thành quả

date
06/10/2020
40 năm về trước, một cậu thanh niên 16 tuổi người Ấn Độ quyết tâm mỗi ngày trồng lên mảnh đất khô cằn một mầm cây, và có lẽ chẳng ai ngờ rằng sau 4 thập kỷ, mảnh đất cằn cỗi năm nào giờ đây lại biến thành khu rừng xanh mướt – nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm.

​​​​​​40 năm về trước, một cậu thanh niên 16 tuổi người Ấn Độ quyết tâm mỗi ngày trồng lên mảnh đất khô cằn một mầm cây, và có lẽ chẳng ai ngờ rằng sau 4 thập kỷ, mảnh đất cằn cỗi năm nào giờ đây lại biến thành khu rừng xanh mướt – nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm.

Ảnh The Forest Man of India/ Humanity Watchdog

Khu bảo tồn Mulai với tổng diện tích 1000 ha là một khu rừng trên đảo Majuli ở sông Brahmaputra thuộc quận Jorhat, thành phố Assam, Ấn Độ. Hòn đảo từng rơi vào tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng do sự xói mòn của đất trên bờ. Trong suốt 70 năm, Majuli đã bị thu hẹp hơn một nửa và nhiều người lo ngại sẽ bị ngập hoàn toàn.

Từ năm 1991, hơn 35 ngôi làng đã bị cuốn trôi. Do những lo ngại rằng hòn đảo có thể bị nhấn chìm, năm 1980, phòng Lâm nghiệp Assam lập kế hoạch tái tạo 200 ha rừng ở một số bãi cát trên hòn đảo. Tuy nhiên chỉ sau 3 năm dự án bị rơi vào quên lãng.

Ông Jadav Payeng, chủ nhân khu rừng Mulai (ảnh NPR).

Vậy nhưng vẫn luôn có một người đàn ông âm thầm chăm sóc cho mảnh đất cằn cỗi, để rồi sau gần 40 năm người ta phải thốt lên trong sự trầm trồ thán phục. Đó là câu chuyện phi thường kể về những nỗ lực không mệt mỏi của “Người rừng Jadav Payeng”.

Năm Jadav Payeng 16 tuổi, vô số xác rắn chết khô trên cát do nhiệt độ quá cao và không có bóng cây xanh trú ngụ trải dọc rìa đảo Majuli. Chứng kiến cảnh tượng đáng buồn này, cậu thanh niên Jadav khi ấy đã nảy ra một ý tưởng mỗi ngày sẽ trồng một cây xanh để “cứu sống” mảnh đất.

Riêng tre – loại cây ông Jadav lựa chọn trồng đầu tiên đã chiếm khoảng hơn 300 ha khu rừng (ảnh chuansongme).

Rừng Mulai với diện tích khoảng 1360 ha, tương đương với kích thước của 15 sân vận động gộp lại, là khu sinh sống của rất nhiều loài động vật quý hiếm như hổ Bengal, tê giác Ấn Độ, nhiều loài bò sát và hơn 100 con hươu, nai, rất nhiều thỏ, khỉ và nhiều loài chim khác nhau, trong đó có một lượng lớn chim kền kền. Bên cạnh các loài động vật, Mulai cũng là khu rừng có mật độ cây cối dày đặc, điển hình là các loài cây chiêu liêu, bằng lăng nước, phượng đỏ, sống rắn dài, và nhiều loài thực vật khác.

Tuy nhiên, đến năm 2008, chính phủ Ấn Độ mới biết đến sự tồn tại của Mulai khi sự kiện 100 con voi hoang dã đi lạc vào địa phận khu rừng. Cũng kể từ đây, đàn voi trở thành “những vị khách” thường xuyên ghé thăm Mulai. Nhằm vinh danh cho những cố gắng của Jadav, chính phủ quyết định đặt tên cho khu rừng là Padma Shri Jadav “Mulai” Payeng.

Câu chuyện của ông Jadav và khu rừng đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều chương trình truyền hình, báo chí truyền thông đăng tải, trong đó có một bộ phim tài liệu mang tên “Forest Man” của nhà làm phim William Douglas McMaster đã được tham gia Liên hoan phim Cannes năm 2014.

Ngoài các công việc thường nhật, ông dành nhiều thời gian để chăm sóc cánh rừng và sẽ còn tiếp tục trồng thêm cây cho tới “hơi thở cuối cùng”. Mỗi ngày, ông đều đi thăm cánh rừng và cảm thấy cây cối, muông thú như thể gia đình thứ hai của mình.

Ông Javdav chèo thuyền ra sông đến thăm rừng (ảnh NPR).

Sau rất nhiều năm, ông Jadav giờ đây vẫn có thể nhận ra những cây non đầu tiên ông đã trồng xuống mảnh rừng Mulai. Mỗi lần ghé thăm rừng ông đều đến và thì thầm với chúng rằng: “Nếu không có cây, ta sẽ chẳng bao giờ được thấy thế giới ngoài kia. Người dân trên thế giới đã tìm về đây bởi cánh rừng này khiến họ kinh ngạc”.

Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)