Sơ lược lịch sử Phật giáo Việt Nam

date
03/10/2020
Sơ lược lịch sử Phật giáo Việt Nam

“SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM”

Giảng viên : Nguyễn Hiền Đức (năm 2010)

Cử nhân Giáo khoa Sử học (năm 1973) – Đại học Văn khoa Sài Gòn.

 

Mục Lục

Chương I: Phật Giáo du nhập vào Việt Nam.. 1

I. Phật Giáo du nhập vào Việt Nam từ thời Hùng (Thế kỷ III trước Dương lịch). 1

II. Phật Giáo du nhập vào Việt Nam từ thời vua A-Dục cai trị ở Ấn Độ ( Thế kỷ III T.DL) 5

1. Vua ban bố các Sắc lệnh chăm lo Đạo đức và Từ thiện cho dân chúng. 6

2. Vua A-dục chiêm bái Phật tích và Thánh tích. 7

3. Xây dựng Chùa Tháp. 8

4. Kết Tập Kinh điển Phật giáo lần thứ Ba tại Pataliputra. 9

5. Chánh Pháp Đại quan (Dharma Mahamata) đi truyền bá Đạo Phật 9

III.Tuyến đường Phật Giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam.. 12

Chương II: Sự hình thành và phát triển của Phật Giáo Việt Nam (Thế kỷ I – V) 14

I. Phật Giáo Việt Nam thời Hai Bà Trưng (40 – 43) 14

1. Tỳ Kheo Ni Quách A. 14

2. Công chúa Bát Nàn. 16

3. Công chúa Phù Vương (Bà Thiều Hoa) 17

4. Công chúa Chiêu Dung. 18

5. Công chúa Phương Dung. 18

6. Bà Vĩnh Huy. 19

7. Nữ tướng Hương Thảo. 19

8. Hai nữ tướng Nguyệt Thai  và Nguyệt  Độ. 19

II. Việt trồng hoa Uất Kim Hương để cúng Phật (năm100) 20

III. Trung tâm Phật giáo Liên Lâu. 21

IV. Phật giáo thời nhà tiền Lý (544 – 602) 23

Chương I: Phật Giáo du nhập vào Việt Nam

Hầu hết các sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam trước đây đều cho rằng Phật giáo từ Ấn Độ truyền qua Trung quốc, rồi từ Trung Quốc mới du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ I – II, đầu kỷ nguyên Dương lịch. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ hơn về các sách cổ, các tài liệu xưa, các di tích lịch sử - văn hóa (đình chùa, đền miếu…) ở Việt Nam, và Đại Tạng Kinh của Phật giáo, chúng ta biết được là  Phật giáo từ Ấn Độ đã du nhập thẳng vào Việt Nam ngay từ cuối thời Hùng Vương, vào khoảng thế kỷ III trước Dương lịch; sau khi hình thành và phát triển, mới có sự giao lưu giữa Phật giáo Việt Nam và Trung quốc vào khoảng thế kỷ II-III sau Dương lịch, với các Trung tâm Phật giáo nổi tiếng như Liên Lâu (hay Luy Lâu) ở Giao Châu (Việt Nam), cùng Lạc Dương và Bành Thành ở Trung quốc. Đồng thời chúng ta thấy được là Phật giáo Việt Nam có nhiều điểm khác biệt hẵn với Phật giáo Trung quốc, và có thời vượt hơn Phật giáo Trung quốc; chứ không phải là Phật giáo Việt Nam từ Trung quốc truyền sang, hay như thuộc truyền thừa của Phật giáo Trung quốc, như một số sách Lịch sử Phật giáo cũ đã viết.

I. Phật Giáo du nhập vào Việt Nam từ thời Hùng (Thế kỷ III trước Dương lịch).

Sách “Lĩnh Nam Trích Quái” của Trần Thế Pháp kể một số sự tích vào thời Hùng Vương, trong đó có truyện “Nhất Dạ Trạch” (Đầm Một Đêm) như sau:

Vào thời vua Hùng thứ Mười tám (vào khỏang thế kỷ III Trước Dương lịch), Chử Vi Vân ở làng Chử Xá, có con là Chử Đồng Tử. Hai cha con nhà nghèo, hiền lành, sống bằng nghề đánh cá. Chẳng may, nhà bị cháy, gia đình chỉ còn có một chiếc khố vải, cha con phải thay nhau mà mặc; ai đi ra đường thì đóng khố. Lúc đó, Chử Vi Vân lại bị bịnh nặng, sắp chết, bảo con rằng: “Khi cha chết, con đào lỗ chôn, để chiếc khố lại mà mặc”. Sau khi cha mất, Chử Đồng Tử không nỡ làm như thế, nên cứ để nguyên cả chiếc khố mà chôn. Vì thế, hằng ngày, Chử Đồng Tử đi bắt cá với thân hình trần truồng, thấy người hay thuyền đi qua, phải lội xuống nước, che nửa thân người.

Lúc bấy giờ, vua Hùng không có con trai, chỉ có hai người con gái rất xinh đẹp là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Công chúa Ngọc Hoa được gả cho Sơn Tinh, còn Tiên Dung không chịu lấy chồng, chỉ thích đi ngao du sơn thủy. Vua cũng chiều ý theo. Mỗi năm, vào tháng Hai, tháng Ba, công chúa Tiên Dung thường đi thuyền ra biển du ngọan, vui chơi ngoài biển.

Một hôm, Tiên Dung đi thuyền dọc bờ biển thuộc làng Chử Xá, ghe thuyền cờ xí, đàn sáo, chuông trống vang lừng. Bỗng công chúa ra lệnh dừng thuyền ở bờ biển, để công chúa lên bãi biển ngắm cảnh. Trong lúc đó, Chử Đồng Tử đang bắt cá ở bờ, thấy đòan thuyền ghé vào bờ, sợ hãi, vội trốn vào đám lau sậy , moi cát phủ lên thân mình. Sau đó, công chúa lại cho cung nữ giăng màn trướng ở bãi biển để tắm, ngay nơi Chử Đồng Tử ẩn trốn. Tiên Dung cùng cung nữ tắm biển nô đùa vô tư, nước cuốn cát trôi ; bất ngờ lộ nguyên thân mình Chử Đồng Tử ! Sau giây phút bối rối, ngỡ ngàng, công chúa định tâm bình tỉnh lại, nghĩ rằng: Việc trớ trêu nầy xảy ra, âu cũng làø nhân duyên Tiền định, Tiên Dung nói rằng: Ta đã không thích lấy chồng, nay lại gặp chàng trong huyệt cát, có lẽ trời khiến như thế. Thôi, chàng hãy tắm rữa đi. Công chúa sai cung nữ lấy quần áo của quan theo hầu cho Đồng Tử mặc, mời lên thuyền dự tiệc. Chử Đồng Tử trình bày rõ hoàn cảnh đơn côi nghèo khó của mình. Tiên Dung thương xót, nhận làm vợ chồng. Đồng Tử cố từ, Tiên Dung nói: Việc nầy là do trời tác hợp, cớ gì mà từ chối! Đồng Tử cảm động sự chân thật của Tiên Dung, nên nhận lời.

Những người theo hầu công chúa báo về triều, tâu với vua sự việc. Vua tức giận, không cho Tiên Dung trở về cung điện nữa.

Tiên Dung cùng Chử Đồng Tử lập phố xá để buôn bán, dần dần nơi nầy trở thành một ngôi chợ lớn là chợ Hà Lõa, có cả thương nhân người nước ngòai đến buôn bán (chuyện An Tiêm cũng cho biết thời đó đã có buôn bán bằng đường biển). Một hôm, có một thương nhân đến rũ Chử Đồng Tử hùn vốn ra nước ngòai buôn bán. Chử Đồng Tử cùng lên thuyền đi buôn. Khi thuyền ghé lên bờ để lấy thêm nước và lương thực ở chân núi Quỳnh Viên, Chử Đồng Tử lên núi dạo chơi, ngắm cảnh. Gặp một am tranh trên núi, Đồng Tử ghé viếng, gặp sư Phật Quang đàm đạo. Sư Phật Quang thuyết giảng Phật pháp, Đồng Tử nghe khế hợp và quyết định ở lại núi nầy để tu học. Nên Đồng Tử giao vàng cho người bạn đi buôn, dặn khi nào trở về thì ghé chở Đồng Tử về nước.

Năm sau, thuyền buôn đến rước, khi xuống núi, sư Phật Quang tặng cho Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, bảo rằng: Các việc “linh thông” có cả trong hai vật nầy.  

Chử Đồng Tử về nhà, giảng giáo lý đạo Phật và những điều đã học với sư Phật Quang trên núi Quỳnh Viên cho Tiên Dung. Tiên Dung cũng ngộ được lý đạo, nên cả hai vợ chồng quyết định bỏ nghề buôn bán  để lo tu hành giải thoát. Sau thời gian chí tâm nghiêm mật ẩn tu trên núi, Chữ Đồng Tử và Tiên Dung đắc thành đạo pháp, xuống núi độ đời.

Một hôm, Đồng Tử và Tiên Dung đến giữa một cánh đồng vắng khi trời tối, hai người cắm cây gậy và úp nón lá trên đầu cây gậy, đọc chú, bỗng thấy hiện ra một tòa thành quách, có cả lầu đài, nhà cửa, với ngọc ngà châu báu, tướng sĩ trang nghiêm, cung nữ xiêm y rực rỡ…. Sáng ngày dân chúng địa phương trông thấy hết sức kinh ngạc, họ mang hoa quả, vật thực đến dâng và xin theo hầu, số người theo ngày càng đông.

Vua Hùng nghe tin vợ chồng Tiên Dung lập thành quách và quân lính, tưởng rằng Chữ Đồng Tử muốn nổi lên chống lại triều đình, nên cử môt đạo quân hùng hậu đến dẹp lọan. Đạo quân đến bãi Tự Nhiên bên bờ sông lớn, dừng lại nghỉ đêm, chuẩn bị sáng hôm sau vượt sông đánh dẹp. Dân chúng trong thành định dàn trận chống giữ. Nhưng Tiên Dung bảo rằng: Việc nầy là do Trời định, ta đâu dám chống lại cha. Dân chúng mới theo sợ hãi nên bỏ chạy, chỉ còn tướng sĩ và cung nữ cũ ở nguyên trong thành. Đến giữa đêm, mưa bão, giông gió, sấm chớp nổi lên, thuyền bè dinh trại của binh lính vua Hùng nghiêng ngã…. Sáng hôm sau mưa bảo yên, dân chúng và quan binh triều đình không thấy thành quách cùng quân binh của Chữ Đồng Tử ở đâu cả, đất ở ngay nơi thành cũ bị sụp xuống sâu thành một đầm lầy lớn. Dân chúng cho rằng Chử Đồng Tử và Tiên Dung bay lên trời, nên lập Miếu thờ; gọi đầm đó là “Đầm Một Đêm” (Nhất Dạ Trạch).

Trước đây, nhiều người cho rằng đó là chuyện thần thọai của người tu Tiên. Nhưng thật ra, nếu nghiên cứu kỹ, chúng ta biết được đây là chuyện có thật của người tu theo Mật tông trong Phật giáo.

Việc Chử Đồng Tử và Tiên Dung bay lên trời không phải là sự tưởng tượng, mà là một việc mà các vị tu hành Mật Tông có thể làm được ! Trong sách “Lục độ Tập kinh” do Khương Tăng Hội dịch Phạn – Hán, viết : “Hễ muốn lên trời, phải qui y Tam bảo, hiểu bốn vô thường, dứt hết xan tham, nuôi chí thanh tịnh, liều mình cứu người, ban ơn khắp chúng sinh, đó là một. Thương xót chúng sinh, quên mình cứu người, lòng hằng biết đủ, không phải của mình không lấy, giữ trinh không dâm, giữ tín không lừa dối, rượu là độc dữ, khô nát đạo hiếu, tuân giữ mười lành, lấy chính dẫn bà con, đó là hai. Nhẫn nhục chúng sanh, (…), đem ba ngôi báu mà dẫn dụ (…). Giữ đức lớn nầy, trước sau không lỗi, cầu làm vua pháp ba cõi, thì có thể lên trời khó gì.”

Việc sư Phật Quang trao cho Đồng Tử cây gậy, nón lá và bảo “Các việc linh thông đều ở trong hai vật nầy”, nhiều người cho rằng Chử Đồng Tử tu Tiên, chứ không phải tu theo Phật giáo. Thật ra, cây gậy và nón lá là hai pháp khí của các tăng sĩ Phật giáo tu theo Mật tông từ thời xưa cho đến ngày gần đây. Cây gậy là cây Tích trượng của các Thiền sư, hay là pháp khí của người tu theo Mật tông. Thiền sư Từ Đạo Hạnh dùng gậy đánh chết sư Đại Điên để trả thù cho cha; Bà Man Nương ở chùa Dâu (chùa Pháp Vân) dùng gậy cắm xuống đất rồi đọc chú làm cho nước phun ra để cứu dân chúng đang bị hạn hán…. Chiếc nón lá để che nắng, đồng thời là phương tiện để qua sông suối của các tăng sĩ thời xưa khi đi hành đạo, vì thời đó chưa có cầu và ít có bến đò như thời nay. Cho đến thế kỷ 20, các vị sư ở Nam Bộ, nhất là các ông Đạo của Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn thường đứng trên nón lá để qua sông rạch.

Ngòai ra, còn một giả thuyết khác: Đạo Phật  du nhập vào Việt Nam từ thời vua A-dục  cai trị ở Ấn Độ.

II. Phật Giáo du nhập vào Việt Nam từ thời vua A-Dục cai trị ở Ấn Độ (Thế kỷ III T.DL)

Vua A-dục (Asoka = Vô ưu), có hiệu là Thiện Ái Hỷ Kiến vương, hay Thiện Ái Thiện Kiến vương. Vua A-dục là vị vua thứ ba của triều đại Khổng Tước (Maurya) của nước Ma-kiệt-đà (Magadha) ở Trung Ấn Độ, và là người có công nhất trong việc hộ trì và hoằng truyền Phật giáo.

Vua A-dục sinh vào khoảng giữa thế kỷ III trước Dương lịch, lên ngôi vào khoảng năm 272 đến năm 264 TDl, mất khoảng năm 232-231 TDl, sau khi Đức Phật Thích Ca diệt độ khoảng 218 năm. Ông nội của ông là Đại vương Chandragupta (Chiên-đà-la-cấp-đa) của vương quốc Ma-kiệt-đà, cha ông là vua Bindusara (Tân-đầu-sa-la), mẹ ông là A-dục-vi-đạt-na (Asokavadana). Nước Ma-kiệt-đà lúc đó rất rộng lớn, trãi dài từ dãy núi Hy-ma-la-ya (Hy-mã-lạp sơn) ở miền bắc bán đảo Ấn Độ, xuống đến tận vùng Mysore ở miền nam Ấn Độ ngày nay.

Lúc còn trẻ, hoàng tử A-dục tánh tình rất hung bạo, không được vua cha thương mến. Khi nước Đức-xoa-thi-la (Takasila) làm phản, vua sai hoàng tử A-dục đem quân dẹp loạn, nhưng lại không cấp đầy đủ cũ khí với ý định cho hoàng tử chết trong trận chiến. Nhưng nhờ tài đánh trận giỏi, nên hoàng tử dẹp được quân phản loạn. Nhờ đó, uy danh lừng lẫy.

Sau đó, hoàng tử A-dục được vua cha cử làm Thái thú, cai trị miền bắc Ấn Độ. Vài năm sau, vua Tân-đầu-sa-la bị bịnh nặng, Hoàng tử A-dục trở về kinh đô Pataliputra (Hoa-thị thành). Sau khi vua cha chết, các hoàng tử tranh giành ngôi vua suốt 4 năm trường. Có thuyết cho rằng, hoàng tử A-dục giết chết 99 người anh em mới lên ngôi vua. Sau khi lên ngôi, vua A-dục vẫn còn hung bạo, giết nhiều đại thần, phụ nữ, tàn ác với nhân dân, lập nhiều nhà tù …; nên bị gọi là Chiên-đà-a-dục vương (Chandasoka). Sau khi làm vua bảy năm (có sách ghi 2 hay 3 năm), vua A-dục qui y theo Phật giáo. Tuy là ưu-bà-tắc nhưng vua chưa hết lòng tin Phật, chưa thân cận chư tăng. Nhân duyên và năm tháng vua qui y theo Phật giáo, các kinh sách viết khác nhau.     

Lên ngôi được 9 năm (k.259 t.Dl), vua A-dục muốn thống nhứt đất nước, nên đem quân đánh chiếm nước Yết-lăng-già (Kalinga) ở miền nam bán đảo Ấn Độ. Cuộc chiến xảy ra hết sức khốc liệt, hằng chục vạn người bị giết, hằng chục vạn người bị tù đày khốn khổ, nhà cửa bị tàn phá… Sau cuộc chiến đó, vua A-dục bỗng thấy hối hận, thấu hiểu rõ được lý đạo Phật là xác đáng, nên vua quyết chí tu theo đạo Phật, có đạo hiệu là Thiên Ái Hỷ Kiến. Để tỏ lòng sám hối tội lỗi, vua đã ban bố Sắc luật khắc trên bia đá như sau : “ Vua Thiên Aùi Hỷ Kiến, lên ngôi chín năm, đem quân chinh phạt nước Yết-lăng-già, bắt sống 15 vạn người, giết hại mười vạn người và số người chết vì bịnh tật, đói khát nhiều gấp bội.Kể từ ngày thôn tính nước đó đến nay, Thiên Ái rất nhiệt tâm hộ trì Chánh pháp để truyền bá khắp nơi. Nay nghĩ lại về sự sát phạt, bắt bớ, và những sự giết hại ở nước Yết-lăng-già, Thiên Ái rất lấy làm đau lòng và thành tâm sám hối …”.

Vua cho trả lại đất đai của nước Yết-lăng-già, thả hết tù binh, lại còn gởi cho họ một bức thư xin lỗi. Thật là một việc làm “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử thế giới.

Sau cuộc chiến ác liệt, tàn khốc đó, vua A-dục ngộ được lý đạo Phật, vua quyết chí tâm tu hành, thực hiện theo hạnh Bồ tát, hết lòng hộ trì Phật giáo. Vua còn tuyên bố “Thắng lợi bằng Chánh pháp là thắng lợi cao hơn tất cả!”. Vua bỏ săn bắn, bỏ cuộc sống xa hoa, ra lệnh cấm sát sanh, bảo hộ lòai vật. Vua ra lệnh cho các quan ở các địa phương  làm các việc thiện, giúp ích cho dân chúng.

Ở ngôi được 12 năm, vua A-dục chí tâm tu hành miên mật nên đạt được giác  ngộ. Vua hết lòng hộ trì và truyền bá Đạo Phậ, vì vậy, vào nửa cuộc đời còn lại, vua được tôn gọi là “Vua A-dục Chánh pháp”.Vua A-dục qui y, hộ trì và hết lòng truyền bá đạo Phật là nhờ ở sự hướng dẫn của Tỳ kheo Hải (Samudra), Tỳ kheo Ni-cù-đà hay Ni-câu-luật (Nigrodha), và A-la-hán Da-xá (Yasa).

Công đức về sự hộ trì và xiển dương Phật giáo của vua A-dục gồm những việc lớn như sau :

1. Vua ban bố các Sắc lệnh chăm lo Đạo đức và Từ thiện cho dân chúng.

Từ năm lên ngôi thứ 12 đến năm 39, vua ban bố nhiều sắc lệnh khắc trên đá, ra lệnh: cấm sát sanh, xây dựng bệnh viện, phân phối thuốc trị bệnh cho dân chúng, động viên trồng cây thuốc, nuôi người già yếu bệnh tật, đào giếng, trồng cây hai bên đường …”. Vua ân xá cho tội nhân 26 lần.

Vua ra lệnh cho các quan địa phương phải lấy lòng nhân từ cai trị dân và lo cho dân, thưởng phạt không sai, khuyến khích và giúp đỡ dân chúng làm việc thiện, xa việc ác, có tâm từ bi, khoan dung, thành thực và trong sạch.

Vua chủ trương tự do tín ngưỡng, không kỳ thị chủng tộc, không phân chia giai cấp.

Vua ra lệnh phải giữ sự hòa thuận trong đền chùa, trong Tăng đoàn; trị tội những những người gây chia rẽ hay làm suy yếu Tăng đoàn.

Vua cũng ra lệnh phải bố thí cho các Tu sĩ Bà-la-môn cũng giống như các Tăng sĩ Phật giáo; và không được mạt sát tín ngưỡng của người khác. Vua còn ra lệnh, 5 năm một lần, quan và dân mở Đại hội Du-già cúng dường cho các Sa môn và các Bà-la-môn ….

Các Sắc lệnh được khắc trên các cột đá, nên được gọi là “A-dục vương Pháp Sắc” hay “A-dục vương Khắc Văn”. Các Pháp Sắc hay các Khắc Văn được công bố cho dân chúng trên toàn lãnh thổ của Đế quốc Ma-kiệt-đà. Các Trụ đá nầy được gọi là “Trụ đá của vua A-dục” (A-dục vương Thạch Trụ). Trụ đá là cột bằng đá tròn, cao từ 7m đến 13m, trên đỉnh trụ đá có chạm hình con sư tử, hoặc con ngựa, hoặc 3 con sư tử. Phía dưới con sư tử hay con ngựa còn chạm hình mặt trời, Bò thần, hoa văn hình Hoa sen … Những Trụ đá của vua A-dục rất quan trọng cho Lịch sử Ấn Độ và Lịch sử Phật giáo. Nhờ những Trụ đá nầy mà ngày nay, con người chúng ta mới biết chắc chắn rằng Đức Phật Thíc Ca là có thật trong lịch sử nhân loại, chứ không phải là huyền thoại ! Phật giáo và Tam Tạng Kinh điển của Phật giáo cũng là những sự kiện có thật trong Lịch sử nhân loại !

2. Vua A-dục chiêm bái Phật tích và Thánh tích.

Vua nghe theo chỉ giáo của Cao tăng Ưu-ba-cấp-đa (Upagutta) ở núi Ưu-lâu-mạn-đà (Urumanda), nên đi chiêm bái các Phật tích và Thánh tích, đồng thời vua còn cho dựng các trụ đá khắc bia kỹ niệm, nhờ các Trụ đá nầy mà ngày nay chúng ta xác minh được những nơi quan trọng trong sự tích của Đức Phật Thích Ca, và Đức Phật Thích Ca là một con người có thật trong lịch sử nhân loại chứ không phải là huyền thoại ! Vua đến chiêm bái các Phật tích quan trọng sau:

    a. Vườn Lâm-tì-ni (Lumbini) , nơi đức Phật Thích Ca giáng sinh.

 [Trụ đá nầy đã bị mất con ngựa trên đỉnh, hiện chỉ còn trụ đá tròn, được Nhà khảo cổ Furère phát hiện năm 1806 và sau đó đã được Chánh phủ Népal công nhận.]

   b. Bồ-đề Đạo tràng (Bodhi Mandala hay Buddha Gaya) là nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo, nay thuộc Tiểu bang Bihar của Ấn Độ. Năm 409, Cao tăng Pháp Hiển du học Ấn Độ đã đến chiêm bái Bồ đề Đạo tràng. Năm 637, Pháp sư Huyền Trang cũng đến chiêm bái Thánh tích tả lại như sau : “ Về phía đông cây bồ đề [nơi Đưc Phật ngồi thiền định suốt 49 ngày đêm và đắc đạo], có một tháp cao chừng 52 thước, nền tháp độ 20 thước vuông, tường bằng gạch xanh, trét vôi chu nam, các khám của mỗi tầng đều thếp vàng. Bốn mặt tường đều đầy những tượng khắc rất mỹ thuật, chỗ nầy là hình ảnh những chuỗi ngọc dài, chỗ kia là những vị tiên. Đỉnh tháp là một trái Am-lak bằng đồng thếp vàng. Mặt phía đông có một tòa lầu ba tầng …. Ở chỗ tháp hiện tại, vua A-dục có xây dựng một ngôi chùa, về sau, một người Bà-la-môn xây lại một ngôi đền to rộng hơn nhiều …”.

c. Lộc Uyển (Vườn nai) là nơi Đức Phật Thích Ca chuyển pháp luân, độ 5 vị Tỳ kheo đầu tiên, nay là Sarnath, thuộc Tiểu bang Utta Pradesh của Ấn Độ. Vua A-dục cho xây tháp và dựng  trụ đá; nhưng sau bị chiến tranh tàn phá. Hiện nay, Thánh tích nầy còn có : Tháp Dahmek (là chữ viết tắt của chữ Dhamma mukha, nghĩa là suy tưởng Chánh pháp), cây bồ đề, Tượng Đức Phật Chuyển pháp luân và Tượng Sư tử  bằng đá trên đỉnh Trụ đá của vua A-dục …

d. Câu-thi-na (Kusinagara) là nơi Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn dưới hai hàng cây Sa-la, nay là Kasia ở quận Deoria, tiểu bang Utta Pradesh của Ấn Độ. Đến thế kỷ VII, Pháp sư Huyền Trang viếng Câu-thi-na kể lại như sau : “Kinh đô xứ nầy đều bị đổ nát. Về phía tây bắc thành phố độ 3, 4 dặm, vượt qua sông Ajitavi về phía tây không xa lắm, chúng ta đến khu rừng cây sa-la. Cây sa-la giống như cây huk, võ cây màu trắng xanh, lá lóng lánh và trơn dịu. Trong khu rừng nầy có 4 cây cao, có hơi khác hơn các cây khác, là chỗ Đức Phật nhập Niết bàn.

Tại chỗ nầy có một tinh xá bằng gạch, trong đó có tượng đức Như Lai nhập Niết bàn. Bên cạnh tinh xá là một ngọn tháp do vua A-dục dựng lên, dầu đã hư sụp, nhưng cũng còn cao khoảng 60 thước. Trước ngọn tháp nầy là một Trụ đá kỹ niệm Đức Phật nhập Niết bàn, trên trụ đá có khắc chữ nhưng không có ngày tháng [..…]. Phía bắc thành phố [Câu-thi-na], vượt qua sông và đi độ 200 bước, có một ngọn tháp. Đây là chỗ làm lễ Trà tỳ (Hỏa táng) nhục thân Đức Phật. Đất hiện tại đen vàng, than và đất xen lộn với nhau. Những Phật tử có lòng chí thành, đến tại chỗ nầy cầu nguyện, nhất định tìm được một vài xá lợi của Đức Phật.”

Thánh tích Câu-thi-na hiện nay còn Đại tháp Niết bàn và chùa thờ Tượng Phật nhập Niết bàn. Tượng Phật trong nằm nghiêng đầu quay về hướng bắc, mặt nhìn về hướng tây, hai chân chồng lên nhau, dài 7m. Tượng được tôn trí trên bệ đá dài và rộng.

Ngoài ra, vua A-dục còn đến chiêm bái những Thánh tích Phật giáo khác: Tinh xá Kỳ Viên, Tháp thờ Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, tháp Đại Ca-diếp, tháp A-nan …

3. Xây dựng Chùa Tháp.

Vua A-dục thực hiện rất nhiều Phật sự, ngoài việc hộ trì Chánh pháp, cúng dường tăng chúng, vua còn xây dựng rất nhiều chùa và tháp, nhiều sách viết là 84.000 chùa và tháp.

4. Kết Tập Kinh điển Phật giáo lần thứ Ba tại Pataliputra.

Vào thời vua A-dục, Phật giáo phát triển, tăng ni ngày càng đông, có nhiều người ngoại đạo cũng vào làm tăng, xảy ra nhiều tranh luận về Phật pháp, khó phân biệt chánh pháp hay tà ngụy. Vì vậy, vua muốn xác định lại giáo pháp của Đức Phật Thích Ca, nên vào năm vua ở ngôi thứ 18 (khoảng năm 255 TDl), vua cử sứ giả đến thỉnh Ngài Mục-kiền-liên-tử Đế-tu (Moggaliputta Tissa) ẩn dật ở núi A-hô-hằng-già (Ahoganga) lo việc kết tập Kinh điển lần thứ ba. Ngài Đế-tu tuyển chọn một ngàn vị Trưởng Lão về Hoa-thị-thành (Pataliputra) để kết tập Tam tạng Kinh điển Phật giáo. Đây là lần Kết tập Kinh điển lần thứ Ba của Phật giáo, được hoàn thành trong 9 tháng.

  5. Chánh Pháp Đại quan (Dharma Mahamata) đi truyền bá Đạo Phật

Sau khi Kết tập Kinh điển, vua A-dục đã cử nhiều Chánh Pháp Đại quan đi truyền bá Phật pháp ở nhiều nước khắp bán đảo Ấn Độ, Tích Lan, các nước khắp vùng Đông Nam Á và Đông Á ngày nay :

- Mạt-xiển-đề (Majihatika) đến nước Kế-tân (Kashmira) và nước Kiền-đà-la (Gandhara), tức vùng Kashmir và miền bắc Ấn Độ ngày nay.

- Ma-ha-đề-bà (Mahadeva) đến nước Mahimskamandala (Ma-hê-sa-man-đà-la), tức vùng miền nam Ấn Độ ngày nay.

- Lặc-khí-đa (Rakkhita) đến nước Ba-na-ba-tư (Vanavasi), miền nam Ấn Độ ngày nay.

- Ha-lặc-khí-đa (Maharakhita) đến nước Du-na Lô-ca (Yonaja Loka), phía tây nước Afghanistan ngày nay.

- Đàm-vô-đức (Yonaka Dhammarakkhita) đến nước Aparantaka (A-ba-lan-đa-ra) ở vùng miền tây Ấn Độ ngày nay.

- Ma-ha-đàm-vô-đức (Mahadhammarakkhita) đến nước Mahanattha (Ma-ha-thích-đà) ở miền nam Ấn Độ ngày nay.

- Mạt-thi-ma (Majjhima) và Ca-diếp-ba (Kaspaya) đến xứ núi Tuyết, tức vùng nước Népal ngày nay.

- Ma-sân-đa (Mahinda), Uất-đế-da (Uttiya), Tham-ba-lâu (Sambala), Bạt-đà (Bhaddsala) đến nước Sư Tử (nước Tích Lan ngày nay).

- Tu-na-ca (Sonaka) và Uất-đa-la (Uttara) đến Xứ Vàng (Suvannabhumi). Xứ Vàng hay Kim Địa có thể là vùng Đông Nam Á ngày nay. Phái đoàn nầy còn có thể đến cả Trung quốc.

Sau đó, vua tiếp tục cử các Chánh pháp Đại quan và các Phái đoàn đi truyền bá Phật pháp ở nhiều nước ở Phương Tây, tức các nước ở vùng ven Địa Trung hải như  Hy lạp, Macédonia, Iran, Syria, Ai Cập … .

Vua A-dục còn ban hành các Pháp Sắc và các Bản văn về Phật pháp khắc vào các Trụ đá ra lệnh : Cứ 5 năm, vua triệu tập Hội nghị các quan về Tư pháp và Thu thuế để bàn thảo về “Pháp”, dựng lập “Pháp” và cử thêm các Chánh pháp Đại quan Dhamma Hahamata.

Đặc biệt, con của vua A-dục là Ma-sần-đà (Mahinda) có công lớn trong việc truyền bá đạo Phật ở đảo Sư Tử (nước Tích Lan), và Phật giáo tiếp tục phát triển từ đó cho đến hiện nay.

Sau khi vua A-dục mất, vẫn còn nhiều Phái đoàn đi truyền bá Phật giáo ở các nước Trung Á (Khotan = Cô-tàn …), Trung quốc, Tây Tạng, Mông Cổ, Nhật Bản, có thể cả Việt Nam … .

Nền văn minh Ấn Độ thời Vương triều Khổng Tước (Maurya) chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ, Hy Lạp và Ba Tư. Và nền văn minh nầy ảnh hưởng đến Phật giáo các nước chịu ảnh hưởng của Đế quốc Ma-kiệt-đà thời vua A-dục.

Vua A-dục lập nhiều công đức trong việc truyền bá đạo Phật ở Ấn Độ và nhiều nước như thế, nhưng có lẽ vua phải chịu trả những nghiệp quả về sự tàn ác, sát hại nhiều người lúc còn trẻ vì chưa hiểu Phật giáo; nên về già, vua phải sống trong những hoàn cảnh vô cùng bi thảm : Hoàng hậu Đê-sa-la-xoa (Tassarakkha) muốn tư thông với Hoàng tử Câu-na-la (Kunala), nhưng bị cự tuyệt, nên Hoàng hậu sai người móc mắt Hoàng tử. Vua nổi giận, cho thiêu sống Hoàng hậu, và đem tất cả các của quí báu cúng dường và bố thí hết. Theo ngài Huyền Trang kể  lại, về già, vua A-dục bị cháu nội và quần thần phế ngôi và lấy hết quyền hành, Ngài không còn gì để cúng dường cho chư Tăng; ngay cả phần ăn của Ngài cũng bị giảm dần, cuối cùng, họ chỉ cấp cho Ngài mỗi bữa ăn nửa trái Analaka; và vua cũng tặng nửa tráianalaka đó cho sư huynh.

Vua A-dục mất trong cảnh âm thầm và ảm đạm, không được ai biết đến, vào khoảng  năm 231 trước Dương lịch (?).

Vào thời Hùng Vương, nước Văn Lang (Việt Nam) đã có phong tục tập quán và ngôn ngữ riêng của người Việt, khác với Trung Hoa. Người Việt thời Hùng Vương  đã chịu ảnh hưởng sâu xa của Phật giáo Ấn Độ, đồng thời ngôn ngữ và văn minh Việt Nam thời xưa cũng  đã có một số ảnh hưởng trong Đại Tạng Kinh Phật giáo.

Vào thời Nhà Triệu (207 TDl – 111 TDl), ở Việt Nam đã có chùa Phật rồi. Năm 111 trước Dương lịch, vua Hán sai hai tướng Duơng Bộc và Lộ Bác Đức đem quân đánh Nam Việt, Tể tướng Lữ Gia và vua Triệu Thuật Dương thua trận, chạy trốn. Trong sách “Thiên Nam Ngữ lục” của Thiền sư Chân Nguyên (1647-1728), kể chuyện Tể tướng Lữ Gia lánh nạn đến núi Sài Sơn ( hay núi Phật Tích ở tỉnh Hà Tây ngày nay), đã nhìn thấy “dấu tích của ngôi chùa Trúc Viên” hoang vắng :

“Gia bỏ cửa mốc nhà rêu,

Hang thần trật lối, hồn phiêu đường nào.

Nước nên thấy những đồng đao,

Cõi bờ tấc đất vào chầu Hán gia.

Non Sài tuyệt chẳng vào ra,

Thấy còn một dấu vườn là Trúc Viên,

Đìu hiu ngoài cảnh thiền thiên,

Thuở trưa quyên khóc, thuở đêm hạc sầu.”

Sau đó, Lộ Bác Đức bắt được vua và Lữ Gia, ba quan Sứ của quân Việt đem lễ vật và sổ bộ của ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam đến xin hàng. Lộ Bác Đức cho ba người ấy làm Thái thú ở ba quận để trị dân như cũ.

Nhà Hán lấy đất Nam Việt chia làm 9 quận : Nam Hải (Quảng Đông), Thương Ngô, Uất Lâm (Quế Lâm), Hợp Phố (Nhà Tần là Tượng Quận, nay thuộc Liêm Châu), Châu Nhai và Đạm Nhĩ (hai đảo lớn trên biển), Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Vua Tây Hán cử Thạch Đái trông coi 9 quận, trị sở đặt tại Mê Linh.Long Biên. Đến đầu, trị sở Giao Chỉ đặt tại

Vào năm 30, đầu thời Đông Hán (23-220), vua Hán Quang Vũ cử Tô Định làm Thái thú Giao Chỉ, trị sở được dời về Liên Lâu hay Luy Lâu (làng Dâu, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Thái thú Tô Định cai trị tàn bạo, tham lam, hà hiếp, bốc lột dân Việt.

 Vào năm 39, Thái thú Tô Định giết chết Lạc tướng huyện Chu Diên là Thi Sách (chồng bà Trưng Trắc), vì vậy, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị khởi binh chống quân Hán. Hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị là con của Lạc Tướng huyện Mê Linh (Thời Nhà Hán đô hộ, huyện Mê Linh bao gồm vùng đất tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn Tây ngày nay).

Hai Bà đánh chiếm Phủ thành Liên Lâu, Tô Định bỏ chạy về Trung quốc, các quận Nam Hải, Hợp Phố, Cửu Chân, Nhật Nam … đều hưởng ứng. Hai Bà chiếm được 65 thành trì của vùng đất Lĩnh Nam (phía bắc lên đến tận vùng Động Đình Hồ của Trung quốc, phía nam xuống đến vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi của Trung Bộ ngày nay).

Như vậy, Phật giáo được du nhập vào Việt nam vào thời Hùng Vương, hay vào thời vua A-dục, vào khoảng thế kỷ III trước Dương lịch. Sau thời gian hình thành trong vài thế kỷ, Phật giáo Việt Nam bắt đầu phát triển vào thế kỷ đầu của kỷ nguyên Dương lịch và đạt đỉnh cao với Trung tâm Phật giáo Liên Lâu (hay Luy Lâu) vào thế kỷ II – III.

III.Tuyến đường Phật Giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam

Việt Nam và bán đảo Đông Dương nằm giữa hai nước lớn, đồng thời là hai nền văn minh cổ xưa nhất của loài người : Ấn Độ và Trung Hoa.

Ấn Độ rất giỏi về ngành hàng hải và ngành buôn bán. Sau khi Phật giáo hình thành và phát triển (Thế kỷ VI Trước Dương lịch), ngành thương mãi bằng đường biển phát triển mạnh. Nhờ đó, Phật giáo cũng được truyền bá ra nước ngoài và trở thành nước trung gian trong việc thương mãi giữa các nước Tây phương và Đông phương. 

Về phương Tây, Ấn Độ buôn bán với các nước Tây Á (Khương Cư, Nhục Chi, …), các nước vùng Lưỡng Hà (Iran, Irak, …), các nước ven Địa Trung Hải (Phénicie, Assyrie, …) và Đế quốc La Mã (Hy Lạp, La Mã, …). Ấn Độ bán cho Đế quốc La Mã và các nước phương Tây các loại hàng hóa như: vàng ngọc, châu báu, tơ lụa, gỗ quí, hương liệu, ngà voi, lông thú, và những thú lạ …. Hàng hóa mua của Tây phương gồm: các loại kim khí, đồ thủy tinh, đồ gốm, rượu vang, ngựa …

Về phương Đông, Ấn Độ buôn bán với Trung Hoa và các nước Đông Nam Á: Miến Điện (Myamar), Xiêm (Thái Lan), Mã Lai (Malaya), Diệp Điều quốc, Thất Lợi Phật Thệ (Indonesia), Phù Nam (Nam Bộ), Chân Lạp (Campuchia), Lâm Ấp (Chiêm Thành hay Champa), Văn Lang (Giao Chỉ, Giao Châu, An Nam) ; và Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản …

Phật giáo cũng được truyền bá theo các đường giao thương buôn bán đó…

Riêng về việc giao thương giữa hai nền văn minh cổ ở phương Đông: Ấn Độ và Trung Hoa, Việt Nam là trung gian.

Phật giáo ở Ấn Độ phát triển ra nước ngoài mạnh nhất là thời vua A-Dục (giữa thế kỷ III TDL); và sau đó, là vào thời vua Kanishka (78 – 144) của Vương quốc Kushana (bao gồm Ấn Độ và các nước An Tức, Sớ Lặc, Vu Điền, đến sát biên giới Trung quốc).

Lúc đầu, Phật giáo du nhập vào Việt Nam theo đường biển : Các tăng sĩ Phật giáo theo các thuyền buôn để chú nguyện cho chuyến đi được thuận buồm xuôi gió, buôn may bán đắc … Trên thuyền thời đó thường thờ cúng Phật Nhiên Đăng (Dipankara) và Bồ tát Quan Thế  Âm (Avalokitesvara).

Phật giáo truyền từ Ấn Độ sang Việt Nam và Trung Hoa theo đường biển:

Đường biển từ Ấn Độ đến Giao Châu (Việt Nam), và Quảng Châu (Trung quốc) theo hai đường:

1- Từ Bắc Ấn Độ qua eo biển Malacca, Thất lợi phật thệ, Phù Nam, Panduranga, đảo Tiêm Bút La đến Giao Châu và Quảng Châu.

2- Từ Nam Ấn Độ qua đảo Tích Lan, Bantam (đảo Java), Thất Lợi Phật thệ (đảo Sumatra), Panduranga (Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết), đảo Tiêm Bút  La (cù lao Chàm ở tỉnh Quảng Nam), đến Giao Châu, và Quảng Châu

Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang Việt Nam bằng đường bộ theo hai đường:

1- Từ Ấn Độ sang các nước Trung Á vào Trung Hoa theo con đường tơ lụa: qua các nước Trung Á  như An Tức, Kế Tân, Đại Nhục Chi, Vu Điền, … đến Trung Hoa, rồi từ Trung Hoa truyền sang Việt Nam.

2- Từ Bắc Ấn Độ vượt dãy núi Thông Lĩnh, qua Pyu (Miến Điện), Tây Tạng, Nam Chiếu (Vân Nam), Lào, rồi vào  Giao Châu (miền Bắc Việt Nam). [Vào thời Nhà Lý, Thiền sư Không Lộ và Giác Hải qua Ấn Độ cầu pháp theo đường nầy].

 

 

Chương II: Sự hình thành và phát triển của Phật Giáo Việt Nam (Thế kỷ I – V)

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thời Hùng Vương (Thế kỷ III TDL), nhưng chưa biết  sự hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam như thế nào vì không có sách sử ghi chép; tuy nhiên theo các tài liệu và di tích ở nhiều chùa đình đền miếu cổ xưa trong khắp miền Bắc (lãnh thổ Giao Chỉ hay Giao Châu xưa) cho thấy rằng : đến thế kỷ I, đầu kỷ nguyên Dương lịch, Giao Chỉ chẳng những đãõ có nhiều tăng sĩ mà còn cả tỳ kheo ni tu hành ở nhiều chùa trong khắp cả nước. Thật vậy, ngay trong thời Nhà Hán đô hộ (111 TDL – 39), Bộ Giao Chỉ đã có nhiều chùa với nhiều tu sĩ, nhiều Phật tử  đến chùa làm công quả, tu học, hay xuất gia, trong đó có nhiều người thuộc giới nữ.

I. Phật Giáo Việt Nam thời Hai Bà Trưng (40 – 43)

Sau khi đánh bại quân Hán xâm lược, Trưng Vương đã nhận các Nữ tướng làm con, nên các vị nầy trở thành các Công chúa. Vào thời Hai Bà Trưng (40 – 43), ở Việt Nam đã có nhiều chùa và tu sĩ, nhiều Nữ tướng của Hai Bà đã có thời gian tu học ở các chùa, hay xuất gia tu hành như: Tỳ kheo ni Quách A, các Công chúa: Bát Nàn, Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung, Hương Thảo, Chiêu Dung, Nguyệt Thai, Nguyệt Độ ….

1. Tỳ Kheo Ni Quách A

Tỳ kheo ni Quách A sống vào thời Nhà Hán đô hộ Việt Nam. Vào khoảng những giữa năm 30 – 40, Thái thú Tô Định cai trị tàn ác, bốc lột, hà hiếp nhân dân.

Tại Ngã ba Bạch Hạc, có một xóm chài, dân đánh cá, làm lụng đầu tắt mặt tối quanh năm mà vẫn không đủ ăn; họ còn phải nộp cho bọn giặc Tàu tuần tra trên sông những con cá to mà họ bắt được. Lúc đó, Quách A mới khoảng 13 tuổi, nhưng cô bắt cá giỏi không thua gì người lớn. Cô bắt được cá to đem giấu đi, bán lấy tiền nuôi cha mẹ già. Cô căm thù giặc, nên những khi nhàn rỗi, thường vào rừng tập võ nghệ, đánh kiếm, bắn cung, ném lao….

Năm 16 tuổi, cha mẹ đều qua đời, Quách A rời bỏ quê nhà, qua vùng khác, vào chùa xuất gia tu hành, trở thành Ni cô, nên được gọi là Tỳ kheo ni (Khâu ni). Nhưng dù đi đến đâu, Tỳ kheo ni Quách A vẫn thấy cảnh quân Hán tàn ác, hiếp đáp, giết chốc dân Việt …, lòng căm thù giặc càng nung nấu….

Một ngày kia, sư cô Quách A đi đến khu rừng vắng vẻ ở thôn Nhật Chiêu (nay thuộc xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), thấy một ngôi chùa bỏ hoang; hỏi dân làng mới biết, vùng nầy có nhiều cọp, beo, gấu… thường ăn thịt người, nên dân chúng không dám lai vãng, vì thế, chùa bị bỏ hoang phế. Sư cô xin với dân làng được về trụ trì chùa đó. Sư cô xây dựng lại chùa Nhật Chiêu, thiện nam tín nữ đến chùa ngày càng đông. Ngoài việc giảng giải Phật pháp, Sư cô còn dạy võ nghệ cho nam nữ thanh niên.

  Một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp vang trời, rung chuyển rừng núi. Trong chùa đang an giấc, chợt nghe tiếng cọp gầm thét bên ngoài. Sư cô đốt đuốc, cùng một số thiếu nữ ra xem. Trước sân chùa, một con cọp to đang trở dạ sinh đẻ. Thấy duốc sáng và nhiều người lạ, cọp gầm gừ, nhe nanh vơ vuốt, sợ người ta bắt mất con. Sư cô nói nhẹ nhàng: “Ngươi chớ sợ, ta tu hành, không sát sanh, không hại ngươi; nhưng ngươi đừng đến đây nữa, làm người ta sợ”. Cọp như hiểu được lời của sư cô, nên gật đầu, rồi cắp con đi. Từ đó, cọp không đến chùa nữa. Do đó, sư cô Quách A càng được nhiều người biết tiếng.

Năm 40, Hai Bà Trưng nổi lên chống giặc, sư cô mời thêm 13 bạn trẻ trai gái ở vùng Bạch Hạc đến chùa để bàn kế hoạch tham gia khởi nghĩa chống giặc. Sư cô và các bạn thành lập được một Đạo quân thủy và bộ gồm cả ngàn người. Tỳ kheo ni Quách A chỉ huy đạo quân đến vùng sông Hát hội quân với Hai Bà. Hai Bà phong cho Quách A làm Tiên phong Tả Tướng quân Thủy binh; trong khi sư cô Thiều Hoa ở chùa Phúc Thánh (thuộc vùng Phú Thọ) cũng được phong làm Tiên Phong Hữu Tướng quân Thủy binh; sư cô Bát Nàn ở chùa xã Tiên La được phong làm Tiên phong Tướng quân Bộ Binh.

Khi Hai Bà tiến đánh Phủ thành Liên Lâu (Luy Lâu) của Thái thú Tô Định, Hai Nữ tướng Quách A và Thiều Hoa chỉ huy hai đạo Thủy quân Tiên phong: đạo quân của Quách A  theo dòng sông Thao, đạo quân của Thiều Hoa theo dòng sông Đuống cùng tiến về sông Dâu đánh thành Liên Lâu. Trong khi Nữ tướng Bát Nàn chỉ huy đạo quân Tiên phong của Bộ binh, với sự tiếp ứng Đại quân của Hai Bà ở phía sau, cùng tấn công thành Liên Lâu. Quân giặc thua trận bỏ chạy, Thái thú Tô Định bỏ cả ấn tín, vàng bạc, cởi áo, cạo râu trốn theo đám tàn quân tháo chạy về Trung quốc.

Sau khi giành được độc lập cho đất nước, Hai Bà lên ngôi vua. Trưng Nữ vương phong chức tườc cho các tướng sĩ có công. Các Nữ tướng Quách A, Thiều Hoa, Bát Nàn … được phong làm Công chúa. Các công chúa trở về chùa cũ tu hành:

Công chúa Quách A về chùa xã Nhật Chiêu (Vĩnh Phúc). Riêng chùa Nhật Chiêu còn được Trưng Vương cấp cho một “Trống Lệnh” bằng đồng, nên chùa Nhật Chiêu còn được gọi là chùa Huyền Cổ (Huyền Cổ Tự).

Công chúa Bát Nàn về chùa xã Tiên La (Thái Bình).

Công chúa Thiều Hoa về chùa Phúc Khánh (Phú Thọ).

Tỳ kheo ni Quách A vừa truyền giảng Phật pháp cho Phật tử, vừa hướng dẫn, khuyến khích dân chúng địa phương khai hoang rừng núi, mở rộng ruộng đồng, vườn tược, lập thêm trang ấp mới, phát triển nông nghiệp ….

Hai năm sau, vào ngày mùng 10 tháng Chạp âm lịch (đầu năm 42 Dương lịch?), Tỳ kheo ni Quác A viên tịch tại chùa Huyền Cổ ở xã Nhật Chiêu (nay thuộc xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).

Hằng năm, nhân dân làng Nhật Chiêu tổ chức Lễ Hội tại chùa Huyền Cổ vào các ngày Mùng 6 tháng Giêng, Rằm tháng 2, mùng 10 tháng Chạp âm lịch để cúng tế Công chúa Quách A và tướng sĩ, nên cúng cả thức ăm chay và thức ăn mặn. Cúng Tướùng sĩ bằng trâu, thui nguyên con, người dự lễ dùng dao cắt một miếng thịt thui ăn ngay tại chỗ…

2. Công chúa Bát Nàn

 Công chúa Bát Nàn, tên là Vũ Thị Thục, con của ông Vũ Công Chất và bà Hoàng Thị Mầu ở thôn Bạch Hạc, làng Phượng Lâu, huyện Kim Động, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Ông Vũ Công Chất là Thầy thuốc, nhân từ, làm nhiều việc phước đức, còn có công trong việc tu sửa Miếu Bạch Hạc, và tạc tượng thờ Thần Tản Viên và công chúa Ngọc Hoa. Ông có một người con gái rất xinh đẹp, thông minh, học giỏi, giỏi cả võ nghệ, và bơi thuyền cũng rất giỏi.

Năm cô Thục 18 tuổi, được hứa hôn với Phạm Danh Hương, con một hào mục nổi tiếng ở Liệp Trang, huyện Nam Chân. Hương 20 tuổi, tuấn tú, tinh thông văn võ.

Vào thế kỷ I, thời Nhà Hán Đô hộ Việt Nam, thái thú Tô Định tàn ác, sai quan quân đến bắt Bà về làm hầu thiếp. Ông Vũ từ chối vì Bà đã có hứa hôn rồi. Quân Tàu dùng võ lực, gia đình Bà chống cự. Cha và vị hôn phu bị giết chết, Bà cầm song đao tiếp tục chống cự, nhưng sức yếu, thế cô; Bà bị thương, phá được vòng vây, lên thuyền chạy đến trốn lánh ở chùa xã Tiên La, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Sư trụ trì đã được báo mộng, biết trước, nên che giấu , cho Bà qui y và tu ở chùa.

Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán, Bà chiêu mộ được một đạo nữ binh đông đến 3000 người, đánh giặc giỏi, nên được cử làm Đại Tướng chỉ huy đạo quân Tiên phong của Bộ binh. Lập được nhiều chiến công, nên được phong là “Tướng quân Bát Nàn” (Tướng quân Dẹp Nạn).

Năm Canh Tý (40), Hai Bà đánh bại quân Hán, chiếm lại 65 thành của Lạc Việt, giành độc lập cho đất nước, lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh. Để ban thưởng các chiến công, và tỏ lòng thương mến, Trưng Vương phong cho Nữ tướng Bát Nàn làm Công chúa Trinh Thục.

Sau những đau thương của cảnh mất cha, mất chồng; cảnh quân Tàu tàn ác đối với dân Việt; cảnh chém giết, tàn sát trong chiến tranh; và nhất là nhớ đến thời gian tu học ở chùa, được sư phụ thuyết giảng, được đọc kinh sách; giờ đây, lại được sống trong cảnh giàu sang nhung lụa, an bình; công chúa Bát Nàn có thời gian suy tư, quán tưởng, nhờ đó ngộ được lý Đạo Phật, nên xin từ quan để về chùa tiếp tục tu hành. Công chúa xuất gia trở lại ở chùa xã Tiên La.

Sau thời gian tu hành tinh nghiêm, lập nhiều công đức trong việc hoằng truyền chánh pháp, Công chúa Bát Nàn viên tịch ở chùa Tiên La. Dân chúng ở xã Tiên La nhớ ơn Bà, nên lập Đền thờ; hằng năm mở Lễ Hội vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, dân chúng khắp nơi về cúng rất đông. Có thể Bà đã được đắc pháp, nên dù mất rồi, nhưng vẫn linh hiển cho đến hiện nay ; dân chúng khấn nguyện đều được linh ứng. Vì vậy, ở tỉnh Thái Bình hiện vẫn còn hằng chục ngôi Đền thờ Bà. Nhưng tiếc là, chúng ta hiện nay không biết Bà có pháp danh gì, tu học với vị Tổ nào, truyền thừa như thế nào ?

3. Công chúa Phù Vương (Bà Thiều Hoa)

Bà Thiều Hoa sanh ngày mùng 2 tháng Giêng năm Quí Tỵ (năm 3), quê ở vùng động Lăng Xương (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), là vùng đất linh thiêng nổi tiếng từ thời Hùng Vương; con của ông Hoàng Phụ và bà Đào Thị Côn. Thiều Hoa là con gái đẹp, hiếu hạnh, giỏi võ nghệ. Khi mới 16 tuổi, nhiều gia đình trong vùng muốn ngỏ lời rước về làm dâu, nhưng Thiều Hoa đều từ chối, chỉ muốn lo chăm sóc cha mẹ già. Mấy năm sau, cha mẹ đều mất. Thiều Hoa vào chùa Phúc Khánh ở làng Hiền Quang ( thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nayï) xin tu học. Tụng kinh, niệm Phật, tham học kinh điển tinh nghiêm một thời gian.

Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Bà Thiều Hoa chiêu mộ được 500 quân ở làng Hiền Quang, kéo về dự lễ Hội thề Xuất quân .

 Hai Bà đánh bại quân nhà Hán, chiếm lại 65 thành trì của dân Lạc  Việt, lên ngôi vua năm CanhTý (năm 40). Nữ Tướng Thiều Hoa xin Trưng Vương cho  từ quan, trở về chùa tu hành. Bà trùng tu lại chùa Phúc Khánh, với sự hỗ trợ của Trưng Vương, và chí tâm tinh tấn trong việc hoằng truyền Phật pháp. Năm sau, Bà mất tại chùa Phúc Khánh, Trưng Vương truy phong cho bà Thiều Hoa làm  “Phù Vương Công chúa” (Công chúa phò giúp Vua), và ra lệnh cho quan quân , cùng dân chúng lập Đền thờ.

Từ đó, vào ngày Sinh nhật của Bà, ngày mùng Hai Tết âm lịch, dân chúng địa phương tổ chức Lễ Hội kỹ niệm, tổ chức duyệt binh. Đến ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch, dân địa phương tổ chức Hội Phết ở Đền Hiền Quang. Đánh Phết là đánh cầu gỗ bằng gậy cong ở đầu. Bà Thiều Hoa là người khai sáng ra Hội Phết Hiền Quang.

 Hiện nay, ở đền Hiền Quang và chùa Phúc Khánh tại làng Hiền Quang, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ, vẫn còn tổ chức “Hội Phết” vào ngày 13 tháng Giêng để tưởng nhớ Bà Thiều Hoa, hay Công chúa Phù Vương. Ở nhà Tiền Tế của đền Hiền Quang còn treo tấm hoành có bốn chữ Nho lớn: “Diệt Bạo Tướng Phật”, và nhiều câu đối nói về Bà từng phò Hai Bà Trưng, tu hành và viên tịch ở chùa Phúc Khánh.

4. Công chúa Chiêu Dung

 Công chúa Chiêu Dung tên thật là Lý Thị Ngọc Ba, vợ của Đặng Thanh, quê ở quận Cửu Chân, sau về nhập cư ở vùng Đất Cốc. Hai ông bà có 5 người con trai, đều quyết chí kháng chiến chống quân Hán xâm lược ở vùng Đất Cốc.

Sau khi ông Đặng Thanh chết, bà Ngọc Ba cùng 5 con tiếp tục chiến đấu ở vùng bờ phía tây sông Đáy: Bà Ngọc Ba cùng con trai trưởng đóng ở giữa làng Cốc, đồn tiền tiêu đóng ở Cốc Thượng do Đặng Nghiễm và Đặng Liễu chỉ huy, đồn Cốc Hạ do Đặng Diên và Đặng Tiên trấn giữ.  Quân Hán tấn công tiêu diệt căn cứ Đất Cốc. Bà Ngọc Ba cùng các con yếu thế, phải rút lui, phân tán lực lượng. Sáu mẹ con Bà về ẩn tránh ở chùa Hương Lang, dưới sự che dấu của Thiền sư Đạo Uẩn. Mẹ con bà Ngọc Ba giả làm người tu hành ở chùa. Ngày ngày lo tụng kinh niệm Phật, nhưng đêm thanh vắng vẫn luyện tập võ nghệ.

Đến khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, bà Ngọc Ba cùng các con và thuộc hạ tụ về tham gia kháng chiến và phát triển căn cứ ở vùng Đất Cốc. Năm 40, Hai Bà đánh thắng quân Hán xâm lược, Trưng Vương phong cho Lý Thị Ngọc Ba làm Công chúa Chiêu Dung, cai quản đội nghĩa binh và căn cứ Đất Cốc.

Năm 43, quân Hán lại đánh chiếm nước Việt, Hai Bà thua trận, Công chúa Chiêu Dung về ẩn tu, theo học với Thiền sư Đạo Uẩn ở chùa Hương Lan, vùng Đất Cốc,  nay thuộc xãõ Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ , tỉnh Hà Tây. 

5. Công chúa Phương Dung

Bà Phương Dung cùng hai người con nuôi là Trung Vũ và Đài Liệu theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Nhà Hán xâm lược. Năm 40, cuộc kháng chiến thành công, giành được độc lập cho dân tộc, Hai Bà lên ngôi vua. Trưng Vương phong cho bà Phương Dung làm Công chúa, Trung Vũ làm Tả Tướng quân, Đài Liệu làm Hữu Tướng quân. Năm 43, quân Hán lại xâm lăng nước Việt, Hai Bà thua trận, tuẩn tiết. Công chúa Phương Dung về ẩn tu ở chùa Thanh Vân, trang Yên Phú, huyện Thanh Đàn, trấn Sơn Nam ( nay là thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Ngoại Thành Hà Nội). Sau khi Bà mất, được thờ ở chùa Thanh Vân (Thanh Vân Cổ Tự). Trung Vũ và Đài Liệu sau khi mất cũng được dân làng thờ làm Thần Thành hoàng của làng (kỵ giỗ ngày mùng 7 tháng 11 âm lịch).

6. Bà Vĩnh Huy

Bà Vĩnh Huy quê ở huyện Đông Triều, trấn Hải Dương, theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán lúc mới 16 tuổi. Sau khi Hai Bà Trưng  thua trận, tuẩn tiết, Bà Vĩnh Huy về ẩn tu ở chùa làng Cổ Châu (làng Dâu), huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Chùa Cổ Châu hay chùa Dâu, hay chùa Pháp Vân sau nầy rất nổi tiếng, từ bà Man Nương đến Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi; trở thành Tổ đình của phái Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi; cho đến đời Lý, đời Trần và còn đến ngày nay …

7. Nữ tướng Hương Thảo

Nữ tướng Hương Thảo có tên thực là Thảo, con nhà nghèo, có sức khỏe và cắt cỏ rất giỏi. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Thảo theo Nữ tướng Thánh Thiên đánh giặc, lập được nhiều chiến công, được ban cho tên hiệu là Hương Thảo. Hương Thảo được giao cai quản đội Nữ quân chuyên lo việc nuôi các voi chiến và ngựa chiến. Hương Thảo tổ chức những nông trại chuyên trồng cỏ trong vùng đồng bằng châu thổ ở vùng Bích Tràng. Hương Thảo thường đến cúng dường và chăm lo trùng tu chùa Cỏ ở vùng đó.

Đầu năm 43, quân Hán dưới quyền chỉ huy của Mã Viện sang đánh chiếm nước Việt, quân của Hai Bà Trưng yếu thế. Nữ tướng Hương Thảo tổ chức một trận hỏa công lớn ở Bích Tràng, diệt được nhiều tướng sĩ giặc, nhưng Bà cũng tử trận.

Nữ tướng Hương Thảo được dân làng thờ cúng ở chùa Cỏ.

8. Hai nữ tướng Nguyệt Thai  và Nguyệt  Độ

Nguyệt Thai và Nguyệt Độ là hai chị em sinh đôi, con của bà Tống Nga, tu ở chùa Thiên Thai trên núi Đông Cứu, ở xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Bà Tống Nga chết, Nguyệt Thai và Nguyệt Độ mới 16 tuổi, vẫn sống ở chùa Thiên Thai.

Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán xâm lược, Nguyệt Thai và Nguyệt Độ mộ được một ngàn nam nữ nghĩa binh, theo Hai Bà kháng chiến , trở thành những Nữ Tướng, nổi danh trong trận đánh ở làng Me, thuộc vùng đất cổ, có nhiều cây me um tùm, quả sai hơn lá. Trong khi đó, tướng quân Võ Văn Ất, quê ở Văn Giang đánh hạ thành Kênh Cầu. Sau đó, Hai bà Nguyệt Thai và Nguyệt Độ, cùng Tướng quân Võ Văn Ất tiến quân về hợp với Đại quân của Hai Bà Trưng công phá thành Liên Lâu (Luy Lâu). Quân Hán thua trận bỏ chạy, Thái thú Tô Định phải cởi bỏ áo bào, mặc áo lính, cắt râu, lẫn trốn vào binh lính chạy về Trung quốc.

Năm 43, quân Hán lại đánh chiếm nước Việt, Hai Bà thua trận tử tiết. Hai Nữ Tướng Nguyệt Thai và Nguyệt Độ về ẩn tu trên núi Yên Tử (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh), và hóa thân ở đây. Như vậy ở trên núi Yên Tử đã có người tu và chùa chiền từ trước thế kỷ I, đầu kỷ nguyên Dương lịch; và sau nầy, đến thời Nhà Trần (1225-1400), núi Yên Tử trở thành quê hương của phái thiền Trúc Lâm nổi tiếng của Thiền Tông Việt Nam.

Tương truyền, hai Nữ tướng hóa thân ở trên núi Yên Tử, nhưng dân làng Me vẫn lập Miếu thờ. Hằng năm, vào ngày sinh (mùng 10 tháng Giêng âm lịch), và ngày hóa (mùng 8 tháng 5 âm lịch), dân làng mở Lễ Hội để tưởng niệm ở Miếu cổ, tại làng Me, nay là xã Mỹ Thử, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Làng Hoạch Trạch, tên Nôm là Làng Vạc (nay là thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương ngày nay) cũng có đền thờ Hai bà Nguyệt Thai và Nguyệt Độ, và chùa Thánh Thọ.                                    

II. Việt trồng hoa Uất Kim Hương để cúng Phật (năm100)

Trong sách “Bản Thảo Cương Mục” của Lý Thời Trân (1518-1593), mục Uất kim hương viết:  “Sách Nam Châu dị vật chí của Dương Phù nói : Uất Kim hương đến từ nước Quyết Tân, người ta trồng để cúng Phật, vài ngày thì héo, sau đó giữ lại, màu nó vàng rộm, tương tự với nhụy hoa phù dung và sen non, có thể dùng để ướp rượu.”

Trong sách “Quảng Châu tiên hiền chí” của Hoàng Tá (1490-1560) và sách “Bách Việt Tiên hiền chí” của Âu Đại Niệm viết năm 1554, ghi rằng: “ Dương Phù tên tự Hiểu Nguyên, người Nam Hải. Triều vua Chương Đế tìm người tài giỏi, ông đối đáp đúng cách, nên phong làm Nghị văn. Hòa Đế tức vị, dùng quân đánh Hung Nô. Phù tâu rằng: ‘Gầy dựng cơ nghiệp thì dùng võ, giữ lấy cơ nghiệp thì dùng văn, nên khi Nhà Châu thắng Nhà Ân thì có việc ca ngợi sự chấm dứt chiến tranh [ … ], vậy xin Bệ hạ hãy noi theo nếp đẹp của Tổ tông, đừng khinh dùng việc võ’. Năm Vĩnh Nguyên 12 [năm 100] có hạn, vua gọi Phù đến triều đình bàn việc được mất của Chính lịnh [ … ]. Lúc bấy giờ, Nam Hải thuộc Bộ Giao Chỉ. Thứ sử Hà Tắc đi tuần Bộ của mình. Mùa Đông, Tắc trở về, tâu rằng: Chính quyền trung ương chọn Thứ sử không đúng phép, nên họ sau đó đã tranh giành nhau tôn thờ việc người khác, dâng tặng đồ trân quí, Phù bèn lựa nhũng đặc tính của sự vật, chỉ cho hiểu tính khác lạ của chúng; nhằm nói rõ ra, ông viết sách Nam Duệ vật chí [ … ]. Sau đó ông [Dương Phù] làm thái thú quận Nam Hải, lại làm sách Lâm Hải thủy  thổ ký. Người đời phục ông cao thức và không khinh thường sự dạy dỗ.”

Qua các sách xưa, chúng ta biết rằng : Nam Châu, Nam Duệ, hay Giao Châu đều là tên địa phương, chỉ chung vùng đất Giao Chỉ, một vùng đất thuộc miền bắc Việt Nam ngày nay. Như vậy, trong sách “Nam Châu dị vật chí”, Dương Phù bảo rằng: Một bộ phận người Việt Nam (Giao Châu) đã theo đạo Phật, và họ đã biết trồng hoa Uất kim hương để cúng Phật, vào khoảng năm 100 sau Dương lịch.

III. Trung tâm Phật giáo Liên Lâu

Phật giáo Việt Nam được du nhập từ thế kỷ III trước Dương lịch, và hình thành từ thế kỷ I, đầu kỷ nguyên Dương lịch với nhiều tu sĩ và nhiều chùa khắp nước (Giao Chỉ). Trong lúc đó,  ở Ấn Độ, vào thời vua Kanisca (Ca-ni-sắc-ca) [78 – 144], vương quốc Kusana đã mở rộng lãnh thổ chiếm gần hết bán đảo Ấn Độ, và sau khi Vua thôn tính các nước An Tức, Sớ Lặc, Vu Điền, ở miền Trung Á, biên giới vương quốc lan rộng đến sát biên giới Trung quốc. Vua Kansca lại là một Phật tử sùng mộ và nhiệt tâm vì Phật pháp giống như vua A-dục, tổ chức Kết tập Kinh Phật lần thứ tư tại thành Kanishkapura, nước Kasmitra, gồm 500 Cao tăng và Học giả. Sau đó cho khắc Tam Tạng kinh vào các bản bằng đồng, 12 năm mới hoàn thành, …. Nhờ đó, Phật giáo được truyền bá rộng khắp Vương quốc Kusana và phát triển mạnh sang các nước khác, trong đó có cả Việt Nam. Nhiều Cao tăng  Ấn Độ ra nước ngoài hoằng truyền Phật pháp, một số Cao tăng nầy đến Việt Nam (Giao Chỉ): Ma-ha-kỳ-vực, Khâu-đà-la, …. Đồng thời một số Cao tăng Ấn và Cao tăng các nước Trung Á (Nhục Chi, An Tức, Vu Điền…) đến Trung quốc hoằng truyền Phật pháp.

Đến cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III, Thái thú Sĩ Nhiếp (người Việt gốc Hoa, không phải là người Hoa, vì Tổ tiên của Ông đã qua Việt Nam 6 đời) cai trị Giao Châu (từ năm 187 đến năm 226), là bậc quân tử tài đức, lại là Phật tử mộ đạo, nên hết lòng chăm lo cho dân chúng, chú trọng việc giáo hóa cho dân, hộ trì Phật pháp …; nhờ đó, Giao Châu phát triển mạnh và trở nên cường thịnh, thái bình; Phật giáo phát triển…. Giao Châu hầu như tự trị, không bị lệ thuộc Nhà Đông Hán (23 – 243) như trước. Năm 203, Sĩ Nhiếp cho đổi Giao Chỉ thành Giao Châu, ….

Trong lúc đó, tại Trung quốc, chiến tranh loạn lạc ngay ở trung tâm kinh đô Lạc Dương, Trường An và lan rộng khắp cả nước, đưa đến thời Tam Quốc (220 – 265) ; nhiều Cao tăng, Đạo sĩ (Lão giáo), Học giả (Nho giáo) Trung quốc và các nước Trung Á đang sống tại Lạc Dương, Trường An phải chạy về phương Nam để tỵ nạn chiến tranh, một số vị phải qua Giao Châu lánh nạn … Thái thú Sĩ Nhiếp chẳng những chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, mà còn lo cho nền văn hóa dân Việt, lại hết lòng chiêu hiền đãi sĩ, …. Nhờ đó, kinh tế, văn hóa, xã hội Giao Châu phát triển nhanh, …; Phật giáo cũng phát triển và phủ thành Liên Lâu (Luy Lâu) trở thành Trung tâm Phật giáo nổi tiếng, vượt lên Trung tâm Phật giáo Lạc Dương và Trung tâm Phật giáo Bành Thành của Trung quốc …

 Vì thế, Sĩ Nhiếp được tôn là Sĩ Vương, mà còn Nam Giao Học Tổ (Vị Tổ ngành Giáo dục  của Giao Châu ở phương Nam). Phật giáo Giao Châu cũng phát triển vượt hẵn Nho giáo và Lão giáo, nổi bậc với sách “Lý Hoặc Luận” của Mâu Tử (k.165 – k. 255), cùng các bản dịch hay chú giải các Bộ Kinh Phật giáo của Khương Tăng Hội (An ban Thủ ý, Lục Độ Tập kinh, Cựu Tạp Thí dụ kinh, …) sau nầy được đưa vào Đại Tạng Kinh.

Trung tâm Phật giáo Liên Lâu hình thành từ thời Sĩ Vương (130 – 226) và phát triển với các Cao tăng Việt Nam và nước ngoài như: Mâu Bác, Khương Tăng Hội, Khâu-đà-la, Ma-ha-kỳ-vực, bà Man Nương và Tứ Pháp; Chi Cương-lương-tiếp, Đạt-ma Đề-bà, Đạo Thanh (Đạo Hinh), Đạo Thiền, Huệ Thắng; Hiền Pháp sư, Đạo Cao, Đạo Minh, Đàm Hoằng, Huệ Lâm ….

Trong lúc đó, Phật giáo mới du nhập vào nước Đông Ngô của Ngô Tôn Quyền, nên năm 247, Cao tăng Khương Tăng Hội ( ? – 280) [Cha là người Khương Cư, mẹ là người Việt] phải sang giáo hóa, Ngô Tôn Quyền cho thành lập chùa Kiến Sơ để Ngài hoằng truyền Phật pháp …  

 Năm 280, Nhà Tấn diệt Nhà Ngô, Giao Châu thuộc Tấn (280 – 420); sau đó, Nhà Tống (420 – 478), Nhà Tề (479 – 502), Nhà Lương (502 – 544) đô hộ Giao Châu ; nhưng chỉ lệ thuộc trên danh nghĩa, Giao Châu gần như vẫn được tự trị. Trung tâm Phật giáo Liên Lâu vẫn tiếp tục phát triển … Một số Tăng sĩ Trung Á sang Trung tâm Phật giáo Liên Lâu du học để chuẩn bị qua Ấn Độ nhưng chết ở Giao Châu (Vu Đạo Thúy, Vu Pháp Lan …); cũng có Cao tăng Trung quốc sang Giao Châu hoằng hóa (Đàm Hoằng) hay bị triều đình Trung Hoa kết tội đày sang Giao Châu (Huệ Lâm) … Một số Cao tăng từ Giao Châu sang hoằng hóa ở Trung quốc (Đạo Thiền) hay bị đưa sang Trung quốc (Huệ Thắng) ….

Từ trước đến nay, trong sách cổ có nêu danh Sĩ Vương là “Nam Giao Học Tổ”, nhưng nhiều người không tin, vì không thấy điều nào làm chứng cứ … Nhưng trong tình hình Việt Nam trong Thiên niên kỷ III bắt đầu phát triển như hiện nay, chúng ta đã dịch được nhiều kinh sách Phật giáo, phát hiện được nhiều tư liệu, tài liệu mới, … nhờ đó đã thấy được phần nào về sự ưu việt của nền văn hóa, văn minh Việt Nam thời Hùng Vương ; ngoài ra, còn phát hiện được nước Phù Nam cũng là truyền thừa của thời Hùng Vương đúng như tên gọi “Phò Nhà Nam”, không phải là phiên âm của chữ “Phnom” (Vua Núi) như nhiều học giả nước ngoài giải thích trước đây …

Chỉ qua tác phẩm “Lý hoặc luận” của Mâu Bác, và vài Bộ kinh được Khương Tăng Hội biên soạn, phiên dịch hay chú giải như Lục độ Tập kinh, An ban thủ ý, Tạp Thí dụ kinh, …; và qua tiểu sử của Sĩ Vương, Mâu Bác, Khương Tăng Hội … trong một số sách cổ của Trung Hoa hay trong Đại Tạng Kinh …, chúng ta có thể hiểu được phần nào nền Giáo dục của Việt Nam vào thời Sĩ Vương, từ đó, tôn danh “Nam Giao Học Tổ” của Sĩ Vương thật là xác đáng !!!

[Xem Hành trạng và các tác phẩm của Sĩ Vương và các Cao tăng hoằng hóa ở Trung tâm Phật giáo Liên Lâu nêu trên trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam (tập I) của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, và Bộ sách “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” của Nguyễn Hiền Đức]

IV. Phật giáo thời nhà tiền Lý (544 – 602)

Sau khi Sĩ Vương mất (130 – 226), mặc dầu Trung tâm Phật giáo Liên Lâu vẫn phát triển, nhưng chính sách đô hộ của Trung Hoa hà khắc hơn, một số quan đô hộ tham tàn và bạo ngược, dân Việt phải chịu khổ sở lầm than … Năm 541, Lý Bôn (Lý Bí) nổi lên đánh bại Thứ sử Tiêu Tư của Nhà Lương, giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 544, Ngài lên ngôi, tự xưng là Nam Việt Đế, lấy hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô tại Long Biên. Ngay khi lên ngôi, Vua Lý Nam Đế cho dựng chùa Khai Quốc trên nền cũ của một ngôi chùa cổ ở thôn Yên Trì tại kinh đô Long Biên.

Quốc vương Thiên tử ngọc phả lục kể về Nam Việt Đế như sau : Cha của Vua là Lý Công Đạt, mẹ là Lã Thị Hương, quê ở Phong Châu. Một hôm bà Hương nằm mộng thấy bay lên núi, muốn xuống núi nhưng không được, bỗng nhìn thấy rồng vàng, bà cưỡi lên thì được đưa xuống núi. Từ đó, bà có thai, ngày mồng 7 tháng Giêng, bà sinh ra Lý Bôn.

Thứ sử Tiêu Tư nghe theo thuộc hạ là Chu Năng, tìm giết hai mẹ con bà. Bà và con chạy về trốn ở chùa làng Táo Tuyến, huyện Chu Diên, [một tư liệu khác, cho biết, chùa đó là chùa Bảo Phúc, nay thuộc thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội]. Tại chùa hai mẹ con bà được sư trụ trì Triệu Quang Hành giúp đỡ và cho cháu là Triệu Quang Phục hầu hạ.

Sau đó, Lý Bôn cùng Triệu Quang Phục chiêu dụ hào kiệt, hợp cùng nghĩa quân của người anh em họ là Lý Phật Tử tiến đánh Long Biên, Tiêu Tư chạy về Trung quốc; lập nên triều đại Tiền Lý. Vua phong cha của Triệu Quang Phục là Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều làm Tướng Văn, Phạm Tu làm Tướng Võ.

Năm 545, Nhà Lương cử Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu và sai Trần Bá Tiên đánh chiếm Vạn Xuân. Vua Lý Nam Đế thấy thế yếu, nên rút quân về động Khuất Liêu (Hưng Hóa). Gần một năm sau, Lý Nam Đế đem quân tiến đánh Trần Bá Tiên ở hồ Điển Triệt, nhưng thua trận, phải về động Khuất Liêu, giao cho Triệu Quang Phục tiếp tục chống quân Nhà Lương.  Thấy thế yếu, nên Quang Phục rút quân về Dạ Trạch (Hưng Yên). Trần Bá Tiên đánh mãi nhưng không chiếm được Dạ Trạch. Triệu Quang Phục được tôn gọi là Dạ Trạch Vương.

Năm 548, vua Lý Nam Đế băng, Triệu Quang Phục xưng là Việt Vương.

 Nhà Lương phải rút Trần Bá Tiên về Tàu vì loạn Hầu Cảnh, giao cho Dương Sằn thống lĩnh binh Lương ở Giao Châu. Nhân đó, Triệu Việt Vương đánh chiếm lại thành Long Biên.(*)

Năm 557, Lý Phật Tử ở động Dã Năng đem quân về chống với Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương chia đất  Ô Diên (Hà Đông) và gả con gái cho Lý Phật Tử.

Nhưng năm 571, Lý Phật Tử đem quân đánh Long Biên, Triệu Việt Vương thua trận, nhảy xuống sông Đại Nha (Nam Định ) tự tận. Lý Phật Tử lên ngôi, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên).

Năm 580, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi sang Trung tâm Phật giáo Liên Lâu, đến hoằng hóa tại chùa Pháp Vân, khai sáng Phái Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi.

Trong lúc đó, bên Trung quốc, năm 602, vua Tùy Văn Đế thống nhất đất nước, lập nên triều đại Nhà Tùy (603 – 617). Vua Nhà Tùy sai Lưu Phương đem quân đánh Giao Châu, Lý Phật Tử xin hàng, bị đưa về Trung quốc.

Nhà Tùy đô hộ Giao Châu, đưa đến việc Trung Hoa đô hộ Việt Nam lần thứ ba (603 – 939). 

(*) Truyện Đầm Nhất Dạ trong sách Lĩnh Nam Trích quái viết thêm về Triệu Quang Phục như sau: Khi đóng quân trong Đầm Dạ Trạch, Triệu Quang Phục trai giới thiết đàn ở trong đầm, đốt hương cầu đảo. Thoát thấy Thần nhân cỡi rồng giáng xuống giữa đầm, bảo Quang Phục rằng: “Ta lên trời  nhưng linh dị còn ở đây, người có lòng thành cầu đảo, Ta đến giúp để bình loạn tặc.” Rồi cởi vuốt rồng cho Quang Phục bảo giắt vào đầu mâu, hễ đánh đâu là được đó. Nói đoạn bay lên trời.

Triệu Quang y như lời dặn, đem binh đột kích, binh Lương đại bại, chém được Dương Sằn ở trận tiền, binh Lương lui chạy. Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, lên làm Triệu Vương, đóng đô ở quận Vũ Ninh, núi Trâu Sơn./.