Thiền Lâm – Gò Kén ở Tây Ninh

date
21/10/2020
Chùa Thiền Lâm – Gò Kén là ngôi chùa hơn 100 năm tuổi, được xây dựng sớm nhất ở tỉnh Tây Ninh. Với sự lâu đời và kiến trúc cổ kính, độc đáo, chùa đã trở thành trung tâm Phật giáo – Văn hóa và là điểm du lịch tâm linh độc đáo, thu hút đông du khách khi đến với mảnh đất Tây Ninh.

Chùa Gò Kén được xây dựng suốt 12 năm, từ năm 1914 đến năm 1926. Vào năm 1925, Hòa thượng Thích Từ Phong, đệ tử của tổ sư Thích Trí Lượng cùng các môn đồ đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi chùa Thiền Lâm với móng đá, tường xây, mái ngói.

Năm 1970, chùa được trùng tu khang trang hơn. Tháng 7/2007, Đại đức Thích Thiện  Nghĩa, trụ trì chùa hiện nay đã cho tu bổ, xây dựng thêm các công trình mới tạo nên một diện mạo mới cho ngôi chùa, xứng đáng là một danh lam trong tỉnh.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 25m đứng trên con rồng cao 7m; tượng Phật nhập niết bàn dài 25m cũng vừa hoàn thành trong năm 2017. Ngoài ra, nhiều công trình khác như cổng Tam quan, điện thờ Đức Phật Di Lạc, vườn Lâm Tỳ Ni, núi Ngũ Hành Sơn đều đẹp mắt và công trình Bảo Tháp Xá Lợi cao 9 tầng.

Điều đặc biệt, nhắc đến chùa Thiền Lâm - Gò Kén, người ta lại nhắc đến đạo Cao Đài bởi một mối quan hệ đặc biệt. Chùa được xây dựng theo bản thiết kế (gọi là họa đồ) do Công ty Hạc Bình từ Paris vẽ gửi về có chiều dài 30m và rộng 15m, khác hẳn với các chùa cổ trong tỉnh. Quần thể cả ngôi chùa là một kiến trúc kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, nửa cổ kính, nửa hiện đại.

Hiện nay, chùa còn giữ gìn chu đáo các dụng cụ thờ tự cổ như trống sấm và đại hồng chung có tuổi trên nửa thế kỷ bên cạnh nhiều tượng Phật bằng gỗ có giá trị cao.

Bên cạnh các hoạt động phật sự, chùa Thiền Lâm thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện, tích cực tham gia cứu trợ người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ trẻ em khuyết tật, đồng bào các dân tộc thiểu số, chăm sóc người cao tuổi, đóng góp cho các hoạt động khuyến học của địa phương, kết hợp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc từ thiện cho đồng bào các vùng biên giới, nông thôn vùng sâu, giúp đỡ các hộ dân thuộc diện xóa đói giảm nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh…

Mỗi năm, chùa đã vận động, đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động kể trên, thể hiện cách sống tốt đời đẹp đạo theo phương châm “Dân tộc, đạo pháp và chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hồng Anh/chuaviet.org (tổng hợp)