Chùa Cổ Loa - Nơi gắn liền huyền thoại thần Kim Quy

date
10/12/2020
Chùa Cổ Loa có từ thế kỷ XVII. Tên chữ: Bảo Sơn Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 4V7F+MC, thôn Cổ Loa, xã Cổ Loa, H. Đông Anh, TP. Hà Nội.

Từ bao đời nay, di tích Thành Cổ Loa cùng những nhân vật huyền thoại như thần Kim Quy với chiếc nỏ thần bắn một phát hạ hàng nghìn tên giặc, về vua An Dương Vương xây thành và nàng công chúa Mỵ Châu cùng chàng Trọng Thuỷ,…tất cả đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân Việt Nam. 
Chùa Cổ Loa có từ thế kỷ XVII. Tên chữ: Bảo Sơn Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 4V7F+MC, thôn Cổ Loa, xã Cổ Loa, H. Đông Anh, TP. Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 14 km (hướng 1h). 

 


Lược sử


Ngôi chùa làng Cổ Loa có tên chữ là Bảo Sơn Tự. Chùa nằm ngay sau lưng đình Ngự Triều Di Quy và am Mỵ Châu trong khu di tích Cổ Loa, nơi các nhà khảo cổ học tìm thấy trống Đông Sơn và các mũi tên đồng với nhiều dấu vết của một đô thị cách nay hơn hai thiên niên kỷ. Đây cũng là nơi sinh ra truyền thuyết về toà thành đất hình xoáy ốc của Vương quốc Âu Lạc do vua Thục Phán xây nên với sự giúp đỡ của thần Kim Quy, về bi kịch của tướng Cao Lỗ và cái chết của Trọng Thuỷ trước nỗi oan của nàng Mỵ Châu ngây thơ để mất cái lẫy nỏ thần.
Căn cứ theo cách bài trí tượng và số tháp mộ của các vị sư trụ trì đã quá cố, ta có thể thấy chùa Bảo Sơn thuộc về hệ phái Phật giáo Bắc tông và được lập từ lâu đời. Các bia đá cổ trong chùa cho phép xác định chùa ít nhất có từ thế kỷ XVII. Năm 1993, Bộ Văn hóa – Thông tin đã xếp hạng ngôi chùa là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Hiện nay chùa do một ni cô trụ trì và mới đây đã được trùng tu khang trang cùng với toàn bộ khu di tích Cổ Loa.


Kiến trúc

 


Chùa Bảo Sơn toạ lạc trong một khuôn viên vuông vắn với những cây nhãn cổ thụ. Mặt bằng xây dựng của chùa có kiến trúc theo kiểu "nội Công ngoại Quốc" trên nền gạch. Toà tiền đường nhìn về hướng nam, gồm 5 gian, 2 chái với các cửa gỗ bức bàn và cột lim; mái lợp ngói ta, trên bờ nóc có đắp ba chữ Hán "Bảo Sơn Tự", các đầu đao đều uốn cong tự nhiên và được trang trí đơn giản.
Trong tiền tế, thiêu hương và thượng điện có bày đặt nhiều pho tượng Phật giáo. Hành lang hai bên là nơi bài trí tượng của 18 vị tổ truyền đăng. Đặc biệt các gian thờ Tổ, thờ Mẫu... lại áp vào lưng thượng điện. Phía sau chùa là vườn tháp Tổ và khu nhà Ni với một cổng to mở ra đường làng Cổ Loa.


Di vật


Chùa lưu giữ được những bức cốn tứ linh từ thế kỷ XIX và 134 pho tượng có giá trị nghệ thuật được bài trí ở chánh điện, hậu cung, hành lang và nhà Mẫu. Chùa còn có 5 tấm bia đá từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, hai đại hồng chung đúc vào năm Gia Long thứ 2 (1803), một khánh đồng và nhiều pháp khí có giá trị khác.


chuaviet.org tổng hợp