Những người thành công có thân thủ mau lẹ, tính toán chớp nhoáng, họ luôn nắm bắt được đúng thời điểm, đúng thời cơ… Chúng ta thường nhận định họ là những người trí tuệ thông minh trời phú, là những người chỉ có thể ngưỡng mộ chứ không thể học theo. Có người cho rằng họ là những người có gia cảnh tốt hoặc có người chống lưng tương trợ nên thành công cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, nếu như bạn chú tâm quan sát sẽ phát hiện rằng họ lại thường là những người trầm lắng, sống chậm rãi.
Trước đây tôi từng hỏi một vị doanh nhân rằng bí quyết thành công của anh là gì? Người này đáp: “Hãy học lạc đà, chịu được gió, trụ được sương, chúng không khi nào vội vã, từ từ đi, từ từ nhai, cuối cùng đi đều đến đích, ăn đều được no”.
Trong một xã hội mà đại đa số con người đều theo đuổi tốc độ, theo đuổi hiệu suất, có lẽ rất ít người có thể nói rằng bản thân mình có thể sống chậm rãi, không vội vàng, có thể tĩnh tâm bình thản mà chuyên tâm làm một việc nào đó. Phần lớn chúng ta đều có tâm lý lo sợ mình lạc hậu, bị những người xung quanh vượt hơn, sợ xã hội ruồng bỏ, vậy nên đều sống trong vội vàng, sống trong theo đuổi. Ngược lại chúng ta lại quên mất rằng, chỉ có sống trong thư thái chậm rãi mới giúp người ta sinh ra trí huệ, mới có thể làm chủ được thời gian, nắm bắt cơ hội.
Nhanh là hiệu suất, chậm là trí huệ
Mỗi chúng ta đều đang truy cầu hạnh phúc, tuy nhiên hạnh phúc chỉ mỉm cười với những ai có tâm hồn phong phú và biết sống chậm rãi. Franklin – một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ từng làm một thí nghiệm gọi là “Nguyên tắc 5 giờ”. Mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6, ông đều dành riêng cho bản thân 1 giờ đồng hồ, cho dù có bận rộn tới đâu cũng kiên trì cho mình thời gian 1 giờ nghỉ ngơi không làm gì cả. Và cũng chính trong khoảng thời gian 1 giờ “lười biếng” này đã đem lại cho ông sự sáng tạo, hiệu suất công việc cao nhất, giúp ông có được đầy đủ tinh lực và trí huệ gây dựng một sự nghiệp vĩ đại cho nước Mỹ.
Có người nói ‘nhanh là hiệu suất nhưng chậm mới là trí huệ’, bởi con người ta sống quá nhanh cũng sẽ dễ oán giận, dễ nổi nóng và để rồi cũng dễ đánh mất chính mình. Công việc, đó là cuộc sống, nhưng chúng ta lại không thể chỉ sống vì công việc. Công việc chỉ là phương tiện chứ không phải là tất cả. Đời người, sống chính là để tìm chính mình, tìm cho mình ý nghĩa kiếp nhân sinh, vậy nên sống chậm lại mới thấy được mình là ai, mình khác gì với họ. Thành công không thể có được nhờ nhanh chân khéo tay mà là nhờ trí huệ.
Sinh thời nhà văn Kim Dung cũng từng nói: “Tính cách tôi rất chậm chạp, làm gì cũng không vội, làm gì cũng chậm rãi hoà hoãn nhưng cuối cùng mọi việc cũng đều xong, đều làm được tốt. Làm người, chúng ta không thể cưỡng cầu người khác coi trọng từng tý sự nỗ lực của mình. Điều chúng ta có thể là âm thầm cố gắng, đem sự nỗ lực của mình kết lông vũ, đến một ngày sẽ thành đôi cánh đưa chúng ta bay cao, bay xa, khi ấy ai cũng phải ngước nhìn”.
Chúng ta không thể cưỡng cầu người khác coi trọng từng tý sự nỗ lực của mình. Điều chúng ta có thể là âm thầm cố gắng, đem sự nỗ lực của mình kết lông vũ, đến một ngày sẽ thành đôi cánh đưa chúng ta bay cao, bay xa, khi ấy ai cũng phải ngước nhìn.
Khi chúng ta buông đi sự xô bồ của cuộc sống, chuyên tâm làm việc, đến một ngày sẽ phát hiện niềm vui của sự nỗ lực.
Người âm thầm làm việc mới là người có trí huệ
Chỉ cần bạn không ngừng cố gắng chuyên tâm làm việc, sống chậm rãi, bạn sẽ tìm ra giá trị của chính mình. Cho dù trong cuộc sống hay trong công việc, chỉ cần có thể buông bỏ những truy cầu, tĩnh tâm làm điều cần làm, khi đó thành công sẽ mỉm cười với bạn, trí huệ cũng sẽ không ngừng soi sáng con đường bạn đi.
Sống thư thái, buông bỏ càng nhiều sẽ được càng nhiều, truy cầu càng nhiều thì mất cũng càng nhiều hơn.
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)