Không chỉ là nơi có giống xoài tiến vua trứ danh, chùa Đá Trắng còn thu hút du khách gần xa với cảnh quan đẹp và những nét kiến trúc độc nhất vô nhị.
Chùa Đá Trắng (Chùa Từ Quang, Bạch Thạch Từ Quang Tự) là ngôi chùa cổ ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cách thành phố Tuy Hoà khoảng 35 km về phía Bắc, chùa nằm trên một triền núi có nhiều tảng đá trắng nên thường được gọi là chùa Đá Trắng. Đây là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất của vùng đất Phú Yên có giá trị to lớn về mặt tôn giáo, văn hóa, lịch sử xã hội. Cảnh sắc tôn nghiêm lạ thường, khí thiêng sông núi tụ hội, trong quá khứ, chùa Đá Trắng trở thành căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa, là điểm tụ hội của văn thân yêu nước.
Chùa Đá Trắng (Chùa Từ Quang, Bạch Thạch Từ Quang Tự) là ngôi chùa cổ ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên
Chùa được xây dựng từ năm 1797 dưới Triều Vua Quang Toản (nhà Tây Sơn), do Thiền sư Pháp Chuyên, đời thứ 36 phái Lâm Tế khai sơn. Trước đó, vào năm 1793 Thiền sư đã dựng lên thảo am và ở đấy dịch kinh Hoa Nghiêm. Bốn năm sau, Thiền sư mới kiến tạo ngôi chùa theo dạng chùa nhà lá mái đồ sộ. Đến năm 1929 chùa bị hỏa hoạn, công trình kiến trúc cổ xưa bị thiêu rụi hoàn toàn, sau đó được tái xây dựng tương tự theo nguyên mẫu chùa cũ.
Lưng chùa hướng về phía Bắc dựa vào dãy núi Xuân Đài. Mặt trước chùa hướng về phía Nam, nhìn ra sông Cái (sông Ngân Sơn) và sông Nhân Mỹ bao bọc tựa một dải lụa bạc lấp lánh ánh trời. Đứng ở sân chùa có thể nhìn bao quát cả một vùng sông, núi xanh biếc tuyệt vời. Những cụm đá màu trắng nhấp nhô ẩn hiện trong những chòm cây um tùm càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, thâm nghiêm. Ba mặt còn lại là triền núi thoai thoải đổ về hướng Đông với những lùm bụi nhỏ, cỏ xanh tạo cảm giác cho du khách thập phương như đang đứng nhìn ngắm một thảo nguyên thu nhỏ trong những bức danh họa cổ điển lúc trời quang mây tạnh, nắng hanh nhẹ.
Cổng chùa và đặc biệt là khu vườn mộ tháp còn nguyên vẹn, thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc cổ. Với quy mô lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, tất cả các bảo tháp đều được trang trí hoa văn, phù điêu và tượng thú một cách tinh xảo phong phú. Từ tượng hổ đến tượng nghê, kỳ lân… đều toát lên sức mạnh phi thường trong nhiều tư thế khác nhau.
Khu mộ tháp cổ là phần quan trọng hình thành chỉnh thể độc đáo toàn cảnh chùa Đá Trắng. Bên cạnh đó, những phiến đá lát lớn tạo nên con đường từ Quốc lộ 1A lên cổng chùa cũng có một ý nghĩa đáng kể về mặt xây dựng. Vườn chùa có tất cả 8 ngôi tháp xây dựng trên khu đất rộng ở phía Tây. Trong số đó có một ngôi thật đồ sộ, những ngôi tháp khác nhỏ hơn nhưng không kém phần tráng lệ. Nhưng tấm bia của mộ tháp trải qua thời gian đã mòn phai nhiều, không còn nhìn rõ chữ khắc càng tôn vẻ thiêng liêng cổ kính. Trong chùa có hai đại hồng chung nặng đến 330 cân, do Hòa thượng Pháp Ngữ đặt vào năm Duy Tân thứ 9 và nhiều tượng phật cổ hàng trăm năm tuổi.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Đá Trắng trở thành căn cứ cách mạng vững chắc, góp phần làm nên những thắng lợi hào hùng của quân và dân Phú Yên.
Đến chùa Đá Trắng, du khách không chỉ say mê với những câu chuyện lịch sử mà còn được biết đến một loại sản vật rất ngon, từng được mang tiến Vua, đó chính là xoài. Với tổng diện tích khoảng 5000m2, xung quanh chùa là một vườn xoài rất nổi tiếng, mang vị đặc trưng đã đi vào những giai thoại thú vị được lưu truyền trong nhân gian và thơ ca Phú Yên như một đặc sản quý hiếm, một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của con người nơi đây.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Đá Trắng trở thành căn cứ cách mạng vững chắc
Xoài Đá Trắng còn có tên là “xoài Ngự”, “xoài tiến” và được mang hiệu là “Bạch Thạch Yêm Ba”. Tương truyền, ngày xưa, các vị sư trụ trì trong ngôi chùa cổ kính này trồng rất nhiều xoài tượng, có hương vị rất đặc biệt, vừa thơm dịu, vừa ngọt lịm khiến ai đã từng nếm thử đều không thể quên được hương vị của nó. Gọi xoài Đá Trắng là xoài tiến, bởi nó được tiến lên Vua cùng với trái lòn bon của Quảng Nam. Những lúc đem quân từ Cù Huân ra Quy Nhơn, Nguyễn Ánh (Vua Gia Long) thường dừng chân ở Xuân Đài để nghỉ ngơi, chuẩn bị lương thảo. Có thể chính vào thời kỳ này Nguyễn Ánh đã nếm vị xoài Đá Trắng và nhớ mãi vị ngon nên sau này ra lệnh cho Phú Yên phải tiến. Hàng năm, cứ đến vụ xoài, các quan cho người về chùa kiểm kê số xoài thu hoạch, đóng sọt chuyển về Kinh dâng lên Vua, chỉ để lại một số vừa đủ để cúng Phật tổ, đãi khách. Đến đời Minh Mạng, mỗi năm vào Tết Đoan Ngọ, Phú Yên phải cống cho Triều đình 1.000 trái xoài Đá Trắng.
Điều đặc biệt là nếu trồng ngoài khuôn viên chùa, xoài sẽ không thể có những đặc điểm tương tự. Xoài tượng chùa Đá Trắng quý và hiếm đến mức có giai đoạn, quan huyện lệnh cắt cử sai nha canh dưới từng gốc xoài, ghi chép, thu hái. Những người làm công việc này được miễn thuế thân.
Hiện nay, tại chùa Đá Trắng chỉ còn lại 4 cây xoài đã già cỗi nằm ở 4 góc chùa. 4 cây thì có đến 3 cây đã lâu không ra trái, còn một cây có khi đậu trái, có khi không. Trong vườn chùa cũng có khá nhiều cây xoài, nhưng đó là giống từ nơi khác, không phải loại xoài tiến Vua tuyệt hảo. Trước nguy cơ tuyệt chủng của xoài Đá Trắng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên đang nỗ lực tìm cách lưu giữ và nhân giống xoài tiến Vua quý hiếm trên.
Chùa Đá Trắng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1997, là một điểm đến “lạ” gợi trí tò mò cho nhiều du khách mỗi lần đặt chân đến Phú Yên. Ngày nay, chùa Đá Trắng được phật tử và du khách thập phương đến tham quan, phúng viếng. Đến được chùa Đá Trắng đã là một sự may mắn, nhưng may mắn hơn là khi có duyên được tá túc lại chùa, về đêm sẽ được nghe những câu chuyện kỳ bí về một thời lịch sử bi tráng của quân ta trước giặc ngoại xâm và sẽ được nhìn thấy bóng hình một vị tướng, đầu đội kim thôi, tay mang trường thương, dũng mãnh thúc ngựa giữ sa trường quyết liệt và tiếng vó câu, tiếng quân đi rầm rập, oai hùng theo gió về lẩn khuất trong nhịp mõ giữa đêm khuya.
chuaviet.org tổng hợp