Chùa Hội Thọ - Dấu ấn linh thiêng xứ Tiền Giang

date
13/11/2020
Chùa Hội Thọ là một ngôi chùa cổ, có lịch sử trên 250 năm tuổi, mang nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa của vùng đất xã Thiện Trí, huyện Cái Bè. Khi mới thành lập (năm 1755), chùa Hội Thọ có tên Sắc tứ Kim Chương tự. Theo sách “Gia Định Thành Thông chí” và “Đại Nam Nhất Thống chí” thì Kim Chương tự nằm ở phía Tây - Nam thành Gia Định, cách hơn 4 dặm nằm về phía Bắc đường Thiên Lý

Chùa Hội Thọ là một ngôi chùa cổ, có lịch sử trên 250 năm tuổi, mang nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa của vùng đất xã Thiện Trí, huyện Cái Bè.

Khi mới thành lập (năm 1755), chùa Hội Thọ có tên Sắc tứ Kim Chương tự. Theo sách “Gia Định Thành Thông chí” và “Đại Nam Nhất Thống chí” thì Kim Chương tự nằm ở phía Tây - Nam thành Gia Định, cách hơn 4 dặm nằm về phía Bắc đường Thiên Lý 

Chùa Hội Thọ là một ngôi chùa cổ, có lịch sử trên 250 năm tuổi

Năm 1859, khi quân Pháp tấn công Gia Định, thành Gia Định thất thủ, trụ trì chùa là Tăng Cang Minh Giác cho dỡ chùa dời về vùng đất xã Mỹ Thiện, tổng Phong Hòa, quận Cái Bè, tỉnh Định Tường (nay là ấp Mỹ Hưng, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) và đổi tên là Hội Thọ tự (chùa Hội Thọ), thuộc loại hình di tích lịch sử - văn hóa (kiến trúc tôn giáo), là một trong những ngôi chùa có niên đại rất sớm ở Nam bộ.

Chùa là nơi tổ chức lễ chúc thọ giới đàn đầu tiên ở Nam bộ vào năm 1804 và là ngôi chùa đã 3 lần được ban sắc: Kim Chương tự (năm 1755), Phổ Quang Thiên Sơn tự (năm 1776) và Thiên Trường tự (năm 1813).

Khi mới lập, chùa được xây dựng bằng vật liệu đơn sơ tranh, tre, nứa, lá, gỗ, gạch, đá, ngói… và chất kết dính bằng ô dước. Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, đến nay chùa được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép, có diện tích xây dựng 350 m2/tổng diện tích 5.152 m2, cửa chùa quay về hướng Nam - nhìn ra bờ sông Mỹ Thiện.

Ngôi chùa có niên đại rất sớm ở Nam bộ.

Tổ đình chùa Hội Thọ nằm cạnh sông đổ ra sông Tiền. Nhìn tổng thể ngôi chùa được xây theo chữ công (I) gồm: Cổng chùa được xây dựng kiểu tam quan, mi vòm (1 cửa chính và 2 cổng phụ), có 2 tầng mái lợp ngói vảy rồng cong đầu đao trang trí đề tài “hồi long”, hoa sen, lá sen, bánh xe luân hồi. Bảng hiệu cổng đắp nổi “Sắc tứ Kim Chương”, “Phổ Quang”, “Thiên Trường”; chính giữa là “Tổ Đình Hội Thọ”; 2 bên cổng phụ đắp nổi “Trí Tuệ” và “Từ Bi”. Trên 4 trụ cổng đắp nổi các câu đối chữ Nôm có nội dung:

“Thiên khởi nhân duyên mõ          sớm gõ tâm hồn mê muội
Trường lưu thiện nghiệp chuông
          chiều khua rã mộng ba linh”.
“Phổ chiếu mầu thiền dẫu hết
                   chúng sanh vào cõi giác
Quang huy phệt rước đuốc
               muôn loài thoát biển mê”.
“Hội tam bản vi tông tự        
                           chuông… tứ xứ táo
Thọ ngũ phúc dã thủ trường lưu
                           công đức môn lai”.
“Kim báu lập tăng lâm trăng
              rọi ánh vàng không tức sắc
Chương mỹ xây chùa phật rộng
                 in màu biếc cổ như kim”.

Trong sân chùa có tượng Phật Bà Quan Thế Âm đứng trên tòa sen cầm bình cam lồ và điện thờ Phật Di Lặc, xung quanh là vườn hoa và những cây sa la tạo không gian thanh tịch chốn thiền.

Điện thờ Phật Di Lặc

Chánh điện có diện tích 334,25 m2 rất độc đáo, nền lót gạch men, cột tròn, các đầu hồi trang trí hoa văn hoa sen, lá sen. Trên vách tường trang trí nhiều bức vẽ như: Đức Phật đảng sanh, Phật chuyển pháp luân, Phật Niêm Hoa thị chúng Ca Diếp, Phật nhập niết bàn… Trên 2 cửa đắp nổi tượng Văn Thù Sư lợi Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi linh vật. 2 gian tả và hữu là tượng ông Tiêu Diện, tượng Hộ Pháp và 18 vị La Hán.

Trên điện thờ Bổn sư Thích Ca sơ sinh, tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện, tượng Bổn sư Thích Ca, tượng A Di Đà, Quan âm và Địa tạng, tượng Phật Di Lặc, tượng A Di Đà, bộ tam thế Phật gồm Quan âm, Di Đà và Thế Chí cùng 7 vị dược sư và Phật thiên thủ thiên nhãn. Trên bàn thờ hậu tổ được trang trí biển đại tự “Tổ Ấn Trùng Quang” và ảnh tổ khai sơn đề chữ “Kim Chương sắc tứ đại lão hòa thượng”, 2 bên trang trí đôi liễn bằng 2 mảnh thân cây tre gai hình chữ “S”.

Dưới bàn thờ tổ là các bài vị cổ được sơn son thếp vàng rất độc đáo. Đối diện bàn thờ tổ là bàn thờ tượng Phật Chuẩn đề. 2 bên hông nhà hậu thờ 20 tượng Thập điện Diêm Vương. Đa số được chạm trổ công phu, sắc sảo, có niên đại thế kỷ XIX rất độc đáo và quý hiếm. Đặc biệt, pho tượng đức Phật A Di Đà bằng đất sét cao 0,55 m, ngang gối 0,40 m đang tọa thiền có niên đại đầu thế kỷ XIX, là một tác phẩm mỹ thuật đặc sắc.

Ngoài ra, chùa còn có một số tranh quý như tranh chân dung Hòa thượng Minh Giác, Hòa thượng Thiệu Long và các bài vị thờ Hòa thượng pháp danh Tánh Giác, hiệu Nhựt Lê (1774 - 1836); Hòa Thượng pháp danh Hải Châu, hiệu Minh Giác (1791 - 1884); Hòa thượng pháp danh Thanh Trương, hiệu Thiệu Long (1884 - 1937) trụ trì hiệu Hội Thọ tự và nhiều bài vị có pháp danh thuộc hàng đệ tử Hòa thượng Thiệu Long.

Nhà khách, nhà khói được xây dựng năm 1982, nơi đón khách thập phương tề tựu về viếng chùa trong các ngày rằm, lễ vu lan báo hiếu và kỵ giỗ các vị sư tổ của chùa.

Hệ thống các mộ tháp được xây trên đầu mộ chứ không xây trùm trên mộ như các nơi khác, phần nào đã thể hiện sự độc đáo của chùa Hội Thọ. Mộ gồm: 3 tháp, có 3 - 4 tầng, hình lục giác thờ Hòa thượng Minh Giác, Hòa thượng Thiệu Long và Yết ma Quảng Tục.

Theo tài  liệu của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Đồng Tháp, từ năm 1920 đến năm 1925, chùa còn là nơi các trí thức yêu nước như Hòa thượng Thiệu Long, Yết Ma Quảng Tục và Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Bác Hồ) đàm đạo bàn việc nước.

Với bề dày lịch sử, chùa Hội Thọ đã lưu lại nhiều tư liệu, hiện vật quý báu về lịch sử - văn hóa và nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào cuối năm 2014.

chuaviet.org tổng hợp