Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh chùa Ngọc Am (hay Tùng Lâm tự) thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo. Đây là một thiết chế Phật giáo cổ thuộc hệ phái Bắc tông – Đại thừa. Ngoài hai tên gọi trên, chùa còn được nhân dân và bà con Phật tử gọi với cái tên thân thuộc là chùa Am.
Ngày 06/2/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 117/QĐ-UBND công nhận chùa Ngọc Am, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Di tích lịch sử - văn hóa chùa Ngọc Am, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
1. Tên gọi Di tích
- Di tích lịch sử - văn hóa chùa Ngọc Am, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
- Tên gọi khác: Chùa Tùng Lâm; Chùa Am.
2. Loại hình Di tích
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
3. Quyết định công bố Di tích
Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 06/2/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận chùa Ngọc Am, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Chùa Ngọc Am hướng mặt về phía Đông Nam, tọa lạc bên bờ tả sông Thao
4. Địa điểm và đường đến Di tích
Chùa Ngọc Am hướng mặt về phía Đông Nam, tọa lạc bên bờ tả sông Thao (sông Hồng) thuộc làng Yên Bái, tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, Phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa (nay thuộc phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Khách thập phương xuống ga Yên Bái đi bộ hơn 1km là tới chùa.
5. Sơ lược lịch sử Di tích
Chùa Ngọc Am (Tùng Lâm) được xem như trung tâm Phật giáo của tỉnh Yên Bái. Chùa được khởi dựng cuối triều Nguyễn (thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20) do một số nhà buôn và chủ thuyền vận tải đường sông người Việt ở Kẻ Chợ (Hà Nội), Trúc Phê (Hưng Hóa) và Bạch Hạc trở hàng lên bán ở Tuần Quán, Lào Cai hoặc vận chuyển thuê khí giới, quân nhu cho quân đội Pháp thường hay cắm sào đỗ nghỉ ở bến Tuần Quán và suốt dọc sông lên tới địa đầu thành phố Yên Bái. Có người đi tiếp, có người quay xuôi theo hàng lâm sản. Ngoài họ ra còn khá đông thuyền của thương nhân Hoa Kiều cư trú tại Hà Nội hoặc phu thuyền quê quán ở Mông Tự - Mạn Hảo - Hà Khẩu (Trung Quốc) sang Việt Nam làm chân sào. Họ cũng dừng chân tại bến bãi trên. Để cầu bình an, may mắn cho “người yên, vật thịnh” trên những cung đường sông nước, họ góp tiền dựng “Am”. Am - ngôi chùa nhỏ này, ban đầu được bằng những nguyên vật liệu đơn sơ, như: tranh, tre, nứa, lá đã góp phần từng bước hình thành đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân nơi đây và khách buôn trên sông.
Chùa Ngọc Am (Tùng Lâm) được xem như trung tâm Phật giáo của tỉnh Yên Bái
Tháng 4/1900, tỉnh Yên Bái được thành lập, nhờ sự nhiệt tâm của các vị Bố Chánh Bùi Bành, Trần Gia Du, Am được mở rộng khang trang, phát triển thành chùa, có sư trụ trì và lấy tên là Tùng Lâm. Chùa Tùng Lâm còn được gọi là chùa Am để kỷ niệm cùng thời gian đó, chính quyền Pháp chủ trương di chuyển nghĩa trang thị xã cũ trên địa bàn phố Cao Su (phố Yên Thái, phường Hồng Hà ngày nay) về khu nghĩa địa bên bờ hồ Yên Bái (khu vực di tích Nguyễn Thái Học - công viên Yên Hòa thuộc địa phận phường Nguyễn Thái Học ngày nay) do đó toàn bộ đồ thờ, chân nhang tại Am Âm Hồn phố Cao Su được chuyển nhập về chùa Tùng Lâm.
Ngày 31/5/1966, chùa bị không quân Mỹ ném bom tàn phá, các hiện vật quý như: tượng thờ, chuông đồng, hoành phi, câu đối… được đưa về chùa Bách Lẫm - chùa Linh Long (phường Yên Ninh), đền Nhị Châu (xã Giới Phiên). Tháng 12/1973, Công ty Lâm sản Yên Bái được chính quyền lúc bấy giờ cho phép xây dựng xưởng sản xuất trong khuôn viên chùa.
Ngày 22/4/1996, thể theo nguyện vọng của đông đảo bà con nhân dân và Phật tử, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái quyết định khôi phục lại chùa Tùng Lâm - Ngọc Am trên nền xưa, đất cũ. Năm 1998, chùa chính hoàn thành, hạng mục Đại Hùng Bảo Điện có kiến trúc hình chữ Đinh gồm 05 gian Đại bái và 03 gian Hậu cung, phía sau là nhà Tổ. Ngay sau khi phục dựng xong, chùa Tùng Lâm đã nhanh chóng trở thành một trung tâm tôn giáo - tín ngưỡng lớn mạnh, linh thiêng tại thị xã Yên Bái (thành phố Yên Bái ngày nay) nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung.
Năm 2004, Đại đức Thích Minh Huy được bổ nhiệm về trụ trì tại chùa. Năm 2005, Đại đức cùng Ban quản lý di tích chùa Tùng Lâm hoàn tất thủ tục lấy lại mặt bằng từ Công ty Lâm sản Yên Bái, đồng thời tiến hành tu bổ, tôn tạo lại chùa. Đánh giá rõ vai trò quan trọng của chùa Tùng Lâm - Ngọc Am trong việc truyền bá và định hướng Phật pháp ở Yên Bái, ngay trong thời gian này, chùa đã được Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh chọn là trụ sở Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại tỉnh Yên Bái. Năm 2006, chùa xây dựng thêm hạng mục đền thờ Tam phủ, Đức Thánh Trần và Ông Hoàng Bảy; quy hoạch lại toàn bộ khuôn viên, xây dựng Bảo tháp, xây dựng cổng Tam quan trên trục đường Thanh Niên.
6. Các nhân vật được thờ tự
Chùa Tùng Lâm - Ngọc Am thờ Phật.
Ngôi chùa trở thành chứng tích hiện hữu gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thị xã Yên Bái
7. Phong tục lễ hội
Ngoài dịp mùng một, ngày Rằm, hàng năm tại chùa diễn ra nhiều nghi lễ Phật giáo quan trọng, như: lễ giỗ Tổ sư Thích Đàm Phúc (ngày 06 tháng Giêng); lễ Phật đản (ngày 08/4 âm lịch); lễ Vu lan báo hiếu (Rằm tháng 7); tết Trung thu (Rằm tháng 8); tiệc Tất niên (Rằm tháng Chạp)… Vào những dịp này, nhà chùa thu hút được tham gia đông đảo của nhân dân địa phương, bà con Phật tử và du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái, hành lễ.
Trải qua lịch sử hàng trăm năm, vượt qua thiên tai và chiến tranh chùa vẫn giữ vững vai trò hành đạo và truyền đạo của mình. Ngôi chùa trở thành chứng tích hiện hữu gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thị xã Yên Bái trước đây và thành phố Yên Bái ngày nay. Do đó, Chùa Ngọc Am, phường Hồng Hà được Ủy ban nhân tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
chuaviet.org tổng hợp