Chùa Thái Lạc – chùa Pháp Vân

date
06/10/2020
Huyện Văn Lâm được nhiều người biết đến với ngôi chùa Thái Lạc hay còn được gọi là chùa Pháp Vân. Chùa nằm trong thôn Quang Trung, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm. Vốn dĩ có tên gọi Chùa Pháp Vân vì nơi đây ngoài thờ Phật thì người dân nơi đây còn thờ thần Pháp Vân, chính là thần Mây.

 Văn Lâm - Hưng Yên không chỉ là địa chỉ quen thuộc đối với người dân trong tỉnh và người Hà Nội nói riêng, nơi đây còn thu hút rất đông du khách từ mọi miền đất nước bởi có một ngôi làng cổ đã tồn tại hàng trăm năm cùng hệ thống đình làng, nhà cổ, chùa cổ mang nhiều giá trị. Trong đó phải kể đến các di tích lịch sử nổi tiếng đó là: chùa Nôm, đình Tam Giang, Chùa Thái Lạc, chùa Pháp Vân... Đến Văn Lâm du khách còn được khám phá nhiều làng nghề truyền thống: Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, làng dược liệu Nghĩa Trai... và được thưởng thức những món ăn nổi tiếng mang đậm hương vị làng quê như: rượu Lạc Đạo, cơm nắm muối vừng,...
Một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng nơi đây là chùa Pháp Vân. Chùa nằm tại thôn Cầu, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, tọa lạc trên khu đất rộng thuộc phía Tây Bắc của làng, mặt tiền quay về hướng Nam tạo nên không gian cổ kính và yên tĩnh.

 

 

Chùa thuộc thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Pháp Vân (thần Mây) nên có tên gọi là Pháp Vân tự, hay chùa Pháp Vân.

Xây dựng từ thời Trần (1225-1400), chùa được tu sửa vào các năm 1609, 1612, 1630- 1636, 1691-1703. Kiến trúc hiện nay kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm tiền đường năm gian, ba gian thượng điện, hai dãy hành lang mỗi bên chín gian, nhà tổ bẩy gian.

Chùa Thái Lạc còn giữ được bộ vì gỗ ở gian giữa tòa thượng điện, kiến trúc thời Trần, còn khá nguyên vẹn. Loại hình này ở nước ta rất hiếm, ngoài chùa Thái Lạc chỉ còn thấy ở chùa Dâu, chùa Bối Khê. Bộ vì kiến trúc kiểu giá chiêng, dựa trên kết cấu bốn hàng chân cột. Trên bộ vì được kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và trang trí. Trên các cốn, các đố của bộ vì và trên các cột, đấu có nhiều mảng chạm khắc lớn. Nếu nguyên vẹn, có khoảng 20 bức chạm nổi các đề tài khác nhau, hiện nay có 16 bức. Trên ván bưng chạm tiên nữ đầu người mình chim. Trên thân cột trụ chạm hình các ông phỗng giơ tay đỡ bệ sen phía trên. Trên ván nong trang trí đề tài các tiên nữ. Nơi tiên nữ đang cưỡi phượng, người thổi tiêu, người kéo nhị. Nơi khác, tiên nữ đang thổi sáo, đánh đàn. Có cảnh tiên nữ đầu người mình chim đang giơ tay dâng hoa. Độc đáo hơn còn có cảnh chạm dàn nhạc ba người đang sử dụng những nhạc cụ dân tộc. Tất cả chúng chẳng những là các tác phẩm nghệ thuật tạo hình giá trị, một vốn tài liệu quý giúp chúng ta hiểu biết về nền nghệ thuật âm nhạc cổ của cha ông. Các hoạ tiết này phản ánh khá rõ nét xã hội Việt thời Trần với hào khí Đông A ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Các mảng chạm khắc ở chùa Thái Lạc, dưới con mắt người xem vẫn hiện lên với một hiệu quả thẩm mỹ đầy đủ và trọn vẹn. 

 

 

Chùa Thái Lạc là một trong bốn chùa thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) tại xã Lạc Hồng. Tại các chùa này hiện còn lưu giữ nguyên mẫu các pho tượng Tứ Pháp mà tương truyền rằng được tạc từ cành dâu, lấy từ chùa Dâu, tỉnh Bắc Ninh. Đây cũng là hệ thống Tứ Pháp tượng trưng cho những thế lực thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp mang đậm màu sắc của nền văn minh lúa nước. Pháp là một trong những hình thái tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp cổ sơ khi mà đời sống nông nghiệp lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.

 

Trong các công trình kiến trúc gỗ truyền thống tại Việt Nam nhất là đối với các công trình mang yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu... thì mảng điêu khắc được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất tạo nên vẻ đẹp cho công trình. Kỹ thuật đục nổi bong kênh trên một mặt phẳng, đón ánh sáng của thiên nhiên hay ánh đèn hương tạo cảm giác sáng tối, lắng đọng. Các vì kèo gỗ thời Trần còn lại ở chùa Thái Lạc đều có kích thước vừa phải, chúng là những bộ phận trụ chống chủ yếu, được nối với nhau bằng những đường xà dọc và các đường hoành để tạo thành một khung cốt vững chắc, nhằm đỡ toàn bộ lực đè của mái nhà. Đặc biệt phía trên câu đầu, ở giữa còn gắn thêm một bộ phận được gọi là giá chiêng, khác với kiến trúc về sau, chúng đều có dáng thấp, ở giữa không để rỗng mà được lắp ghép một mảng gỗ có tạo hình quầng lửa nhọn đầu. Mảng ván bưng này về cấu trúc không có tác dụng gì, có lẽ các nhà kiến trúc xưa có ý lắp thêm vào đó nhằm để trang trí, tô điểm cho công trình của mình được hoàn mỹ hơn.

Chùa Pháp Vân là di tích mang nhiều sự kiện lịch sử của nhân dân địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chùa còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống đạo đức và có đóng góp quan trọng vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đến thăm ngôi chùa du khách sẽ được trút bỏ những gánh nặng đời thường của cuộc sống, được trở về với không gian thanh tịnh, được tìm hiểu về những giá trị văn hóa tâm linh, cũng như giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi chùa.

chuaviet.org tổng hợp