Chùa Vạn Phước - Bến Tre, Ngôi chùa đẹp giữa miền sông nước

date
20/10/2020
Vạn Phước là cái tên quen thuộc đối với không chỉ người dân Bến Tre mà còn với cả những du khách ghé thăm xứ Dừa. Vạn Phước được nhắc đến là ngôi chùa tràn ngập “ánh đạo vàng” lộng lẫy.

Chùa Vạn Phước Bến Tre được xem là một trong những ngôi chùa lớn nhất tại tỉnh Bến Tre. Thời gian gần đây, ngôi chùa bề thế và có kiến trúc đẹp mắt này thu hút khá nhiều khách du lịch đến hành hương và tham quan.

Bến Tre là tỉnh thuộc miền Tây sông nước với nhiều điểm du lịch nổi tiếng khắp cả nước. Gần đây, có một điểm đến nổi bật không kém những khu du lịch hay điểm tham quan quen thuộc khác được du khách thập phương ghé thăm là chùa Vạn Phước Bến Tre.

Cách di chuyển đến chùa Vạn Phước Bến Tre

Chùa Vạn Phước nằm tại ấp Bình Chiến, cách thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre khoảng 2km trên đường ra khu du lịch biển Thừa Đức. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng ngôi chùa có sắc vàng rực rỡ, nổi bật cả một vùng đồng bằng duyên hải Bình Đại.

Cách di chuyển đơn giản nhất để đến chùa Vạn Phước Bến Tre: Từ TP. Hồ Chí Minh bạn đi xe khách hoặc xe máy về huyện Bình Đại theo lộ trình: TP Hồ Chí Minh - Bến Tre - Thị Trấn Bình Đại rồi theo đường tỉnh 883 cách trung tâm thị trấn khoảng hơn 6 km là về đến chùa Vạn Phước. 

Khám phá kiến trúc bề thế của chùa Vạn Phước Bến Tre

Tổng quan kiến trúc chùa Vạn Phước Bến Tre bao gồm cổng Tam quan với cặp rồng vàng hai bên tả hữu. Ở giữa là tượng phật Di Lặc cao 12,45m. Bên trong chùa gồm có khu chánh điện, khu vực tượng Bồ tát Quán Thế Âm, khu vực tượng Đức Phật Thích Ca ngồi dưới gốc bồ đề. Phần khu nhà chính gồm có phòng làm việc, phòng khách, bảng công đức, bàn thờ Tổ quốc với bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh,…

Chùa Vạn Phước Bến Tre có thể được ví như là Tinh xá Kỳ Viên của Đức Phật. Nếu Chùa Phật Quang Vũng Tàu nổi bật với khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, hòa với kiến trúc chùa thì Chùa Vạn Phước lại gây ấn tượng với du khách vì độ bề thế và màu sắc nổi bật của các công trình mang tính nhân tạo. Cổng chùa và phần sân bên trong rất rộng và thoáng đãng. Các loại xe có thể dễ dàng chạy vào bên trong để gửi xe mà không bị tình trạng quá tải đến mức chen lấn dù lượng khách đến thăm viếng khá đông.

Chùa Vạn Phước nằm giữa vùng đầm lầy rộng lớn của huyện ven biển Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Nhỉn bao quát các công trình kiến trúc trong chùa đều được thiết kế hài hòa trong sân chùa mang tới không gian vô cùng đối xứng và đẹp mắt.

Ngay khi bước vào cổng chùa, du khách tham quan chùa Vạn Phước Bến Tre sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng đức Di Lặc Tôn Phật đầu tiên. Ngôi tượng có kích thước khổng lồ và được mạ vàng. Khối lượng của tượng đạt khoảng 99 tấn, cao 12m45, làm bằng bê tông, cốt thép với kinh phí ước chừng 2,27 tỷ đồng. Nhà điêu khắc Thụy Lam (người xây dựng tượng Phật Di Lặc núi Cấm – An Giang; tượng Phật Di Lặc và A Di Đà chùa Vĩnh Tràng- TP. Mỹ Tho, Tiền Giang và tượng Phật Bà Quan Âm tại Bãi Bụt – Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) cùng đồ đệ của ông đã được mời về chùa Vạn Phước Bến Tre xây dựng tôn tượng Di Lặc. Tượng hoàn thành vào ngày 15 tháng 12 năm Kỷ Sửu (ngày 29-1-2010 Dương lịch).

Phía sau tượng Phật Di Lặc là nhà xe có mái che, sau nữa là chánh điện với Tượng của ba vị Phật giống hệt nhau. Gần chính điện bên ngoài có tượng Phật Bổn Sư Thích Ca và tượng Phật A Di Đà. Đặc biệt trên các bức vách tường bao quanh có chạm khắc hình ảnh các vị La Hán thuộc hàng đại đệ tử xuất sắc của đức Phật.

Bên phải chánh điện lớn là một chánh điện khác. Ở đây thờ Bồ Tát Nghìn Tay Nghìn Mắt, bên trên là tổ sư Đạt Ma. Xung quanh chính điện là các bức tranh mô tả lại cuộc đời của đức Phật. Không gian trong chính điện trang nghiêm, yên tĩnh khiến bất cứ ai bước vào đều giữ được tâm tĩnh lặng, bình an.

Phía sau khuôn viên chùa Vạn Phước Bến Tre có một hồ trồng súng khá rộng, với độ sâu khoảng 1,5 m. Trong hồ có trồng nhiều loại sen và súng khác nhau, đến mùa hoa nở hoa rất đẹp, dưới hồ nước có nuôi cá La Hán. Một con đường dài lát đá trắng có mái ngói che mát đi xuyên giữa hồ tạo cảm giác mát mẻ, dễ chịu cho du khách khi ghé thăm chùa. Phía trong hồ có tượng hai vị bồ tát là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, đi sâu vào bên trong còn có tượng Phật A Di Đà. Nơi đây khiến khách ghé thăm có cảm giác đang bước vào một thế giới khác đời thật, giúp tâm hồn được tĩnh lặng, an lòng, như thể bước vào miền an nhiên, buông bỏ mọi lo âu phiền muộn.

Ao sen rộng mênh mông góp phần tạo nên cảnh quan xanh mát, thoáng đãng trong khuôn viên chùa.

Phía sau hồ nước còn có một dãy nhà mới xây, là nơi lưu trú cho các tăng ni hay Phật tử từ xa đến ở qua đêm. Phía trước là một con kênh tự nhiên ngăn cách giữa nơi ở và nơi thờ cúng các vị Phật, Thánh. Phía cuối dãy nhà là vườn trái cây tươi tốt có diện tích khá rộng lớn. Khuôn viên chùa ngăn cách với bên ngoài bằng một dòng sông nằm ngoài cùng.

Chùa Vạn Phước Bến Tre - điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều du khách

Từ lúc chùa Vạn Phước Bến Tre được xây dựng xong đến nay đã có hàng chục ngàn quý Phật tử bốn phương cũng như du khách gần xa hội tụ về quy ngưỡng, chiêm bái các bức tượng Phật cũng như kiền trúc và khuôn viên tuyệt đẹp của chùa. Du khách từ các tỉnh lân cận, nhất là từ TP. Hồ Chí Minh đến hành hương và du lịch tại chùa Vạn Phước Bến Tre khá đông, có đoàn lên đến vài trăm du khách.

Chùa Vạn Phước Bến Tre dưới nắng rực rỡ cùng với ánh vàng của những bức tượng uy nghiêm làm lộng lẫy cả một góc trời phía Đông duyên hải của huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Hơn 8 ha đất ngày xưa vốn là khu đồng hoang hóa với cỏ dại mọc um tùm và đầm lầy nước nhiễm mặn quanh năm khó canh tác đến hôm nay không ai có thể ngờ đã trở thành một khu vực khang trang rộng lớn dành cho quý Phật tử và du khách bốn phương hội tụ về chiêm bái Phật và tham quan, ngắm cảnh.

Sau buổi hành hương, cầu bình an, tham quan chùa và khuôn viên xung quanh, du khách có thể ngồi nghỉ ngơi trong bóng mát của vườn lan với nhiều giống hoa quý và vườn cây xanh mát trong chùa, sẽ cảm thấy mọi ưu phiền như được buông bỏ. Ngoài ra vào hai buổi trưa và chiều trong ngày, chùa có bữa cơm chay dành tặng du khách đã không ngại nắng gắt hay mưa dầm đến tham quan tại ngôi chùa nổi tiếng này. Buổi cơm chay được các Phật tử đóng góp nguyên liệu tươi ngon từ những sản vật địa phương thấm đượm tình người miền Tây như các loại nấm, rau củ, đậu hủ, nước dừa,... Bất kỳ du khách nào từng dùng thử cơm chay ở chùa đều cảm thấy vô cùng ngon miệng đấy ạ.

Nếu có dịp về Bến Tre, vùng đất xứ dừa đừng quên ghé thăm chùa Vạn Phước Bến Tre tìm về vùng bình an, xanh mát, chiêm bái ngôi chùa tuyệt đẹp và thưởng thức những món chay ngon miệng đẹp mắt ở đây nhé.

Hồng Anh/chuaviet.org (tổng hợp)