Trâu bò, lợn gà trôi hết theo dòng nước lũ, nước lên quá nhanh khiến người dân không kịp trở tay. Nơi tâm lũ Cẩm Duệ, khắp nơi là tiếng khóc nghẹn ngào của người dân bỗng trắng tay sau một đêm...
Cũng những ngày này, nhiều địa phương đã vận động cứu trợ rầm rộ. Ngoài các ca sĩ, nghệ sĩ như Thủy Tiên, Trấn Thành, Đại Nghĩa, còn nhiều anh chị em nghệ sĩ, vận động viên thầm lặng, hoặc đóng góp, hoặc đích thân tham gia đoàn từ thiện để tận mắt chứng kiến nỗi khổ của dân và chia sẻ.
Nói đến miền Trung phải nói một vùng nắng cháy mùa Hè, nước ngập Thu Đông; quanh năm nơm nớp với tai ương. Gom góp ít sắn khoai, gia cầm thì mùa nước đến lũ mang ra sông ra biển hết.
Giữa cuộc chiến với thiên tai, núi đã tràn ngập bùn máu chôn vùi con người như chôn vùi rác rến một cách không thương tiếc. Chỉ có con người với con người, đồng bào với đồng bào mới tìm cách bảo bọc nhau trên từng nóc nhà chênh vênh, trên từng gò đất bao bọc ngập nước.
Chư Tăng và Phật tử tắm mình trong mưa, ngâm thân dưới nước lạnh để bảo vệ gạo, mì đến tận tay người dân như của quý hồi môn cần phải bảo vệ. Ánh sáng nhân hậu đó đủ sưởi ấm niềm bất hạnh mà sinh mạng con người chỉ là cỏ rác của trò chơi nghiệp quả.
Không oán trách trời, không than vãn phận số, mong cố gắng vượt qua khổ nạn như một vận động viên marathon chỉ cần vượt đích, đó là cách sống an lạc của người có trách nhiệm với chính mình. Cũng thế, người lâm nạn thiên tai hay người chia sẻ thiên tai đều cân bằng phước nghiệp lẫn nhau để chờ cuộc sống nở hoa.
Không chỉ người miền Bắc, miền Nam ngày đêm trông tin bão lũ, cho dù có thân nhân nơi đó hay không, họ vẫn chung tay đóng góp mong vơi bớt khổ đau đồng bào ruột thịt. Ngay cả khúc ruột vạn dặm từ nửa vòng cầu, ai an lòng hưởng thụ cuộc sống chăn êm nệm ấm? Đã có những tu sĩ như thầy Nguyên Nguyện ở Oklahoma, hết nằm lại ngồi, suốt đêm ngóng tin quê mẹ từng giờ. Còn bao tu sĩ như thế, Việt kiều sướng gì trên những phương tiện vật chất khi tâm can đau xé được tin em bé 8 tuổi bị lũ cuốn trôi khi mẹ đi nhận hàng cứu trợ; món hàng vài trăm phải mất nắm ruột cưu mang, thương đau nào hơn.
Hàng vạn cái khổ là hàng vạn thương đau ngập tràn kiếp người. Thế mà vẫn có không ít người vô tâm bỏ hàng triệu bạc cho cuộc nhậu thâu đêm, trong lúc đó, chị Hoài Tố Hạnh tự nguyện hạn chế món ăn hàng ngày, hai mẹ con hùn phước và kêu gọi chung tay hướng về miền Trung tình nghĩa!
Dân ta đã mạnh tay, tuy nghèo, vẫn ủng hộ các đoàn từ thiện tự nguyện của dân; họ tin tưởng giao trọn những đồng tiền khó khăn như sự khó khăn của các anh chị đi bán vé số đã hưởng ứng. Ngay cả nước ngoài ủng hộ cũng chỉ qua các đơn vị từ thiện. Có người thầm mong đồ cứu trợ sẽ đến tận tay người dân mà sẽ không bị khó dễ như trước đây ở một số địa phương buộc đưa vào kho của xã để họ tự phân phối; cũng có nơi, sau khi đoàn từ thiện ra về, số tiền và quà nhận được, người dân phải đưa lại một phần cho địa phương.
Trong kinh Phật có nói đến cái nghiệp phải sống nơi biên địa, nơi khốn khó, cũng do cái nhân quá khứ, đó là bài học để cải thiện nhân lành hiện tại. Cho dù nhân thuận hay nghịch, quả nghịch hay thuận đều là bài học để tiến hóa nhân cách. Thế thì lũ hay nước mắt thương đau mà nhà Phật thường nói, nước mắt chúng sanh nhiều hơn biển cả, tất cả cũng chỉ là lũ của hiện tượng tương phản lũ của nghiệp thức. Lũ chồng lũ, nghiệp chồng nghiệp muôn đời là niềm đau trầm thống, tiếng thét vô thanh của chúng sanh trong tam giới.
Tam giới bất an do ba nạn: lửa, nước và binh đao, vậy ai vô tâm để sống mà hưởng thụ?
chuaviet.org tổng hợp