Thần thông của Đức Phật là một trong những đề tài thu hút người viết và lôi cuốn người đọc. Từ trước đến nay, đã có nhiều bài viết đề cập đến vấn đề này. Điểm chung nhất trong các bài viết phần lớn đều khẳng định rằng Đức Phật chỉ chú trọng đến giáo hóa thần thông. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Khi đọc kỹ một số bản kinh có nhắc đến các loại thần thông và những lần Đức Phật sử dụng thần thông, người viết nhận ra còn nhiều điều liên quan đến thần thông nhưng chưa được triển khai đúng mức.
Câu chuyện thứ nhất: Thế nào là phép màu thực sự?
Trong đạo Phật, việc sở hữu những năng lực siêu nhiên thông qua luyện tập được coi là điều bình thường, không có gì là thần bí hay xấu xa. Tuy nhiên, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không ủng hộ việc coi những năng lực siêu nhiên này như là bằng chứng của việc đã được giác ngộ.
Một hôm, Đức Phật đang ngồi bên một bờ sông, chờ thuyền bên kia sang đón Ngài thì thấy một đạo sĩ đi qua. Vị đạo sĩ này điệu bộ rất huênh hoang, thể hiện khả năng đi lại trên mặt nước như người ta đi trên mặt đường. Cứ như thế, ông ta đi đi lại lại từ bờ bên này sang bờ bên kia, rồi lại quay trở lại.
Đức Phật thấy thế, liền mỉm cười và hỏi ông ta: "Ông đã mất bao lâu để có được sức mạnh này?"
"Tôi phải mất 30 năm đấy", vị đạo sĩ trả lời.
Đức Phật đáp lại: "Ba mươi năm ư? Ta thì chỉ mất một đồng xu để qua được bờ bên kia mà thôi. Trong Phật pháp, nếu một người xấu có thể thay đổi bản thân, đi theo con đường của Phật pháp, trở thành một người tốt, đó mới là một phép màu thực sự và đáng để người khác noi theo".
Lời bàn: Thành quả đáng tự hào nhất của mỗi người, có lẽ không nằm ở việc bạn giỏi hơn người khác bao nhiêu, mà là bạn có thể giúp được cho bao nhiêu người.
Câu chuyện thứ 2: Đức Phật có giữ bí mật gì không?
Một hôm, Đức Phật cùng đệ tử Ananda đang đi qua một khu rừng. Đang là mùa thu, cả khu rừng được bao phủ bởi vô số những chiếc lá. Chúng rơi xuống từ trên cây, thực hiện một vũ điệu cùng những cơn gió trước khi rơi xuống đất, để lại những thân cây gần như trơ trọi bên trên.
Chứng kiến những cảnh tượng này, Ananda mới hỏi Đức Phật: "Thưa Đức Phật, hiếm lắm mới có cơ hội chỉ có mình con và Người, nên con muốn hỏi Người một câu, Người đã nói cho chúng con tất cả những gì Người biết chưa? Người có đang giữ bí mật gì không?"
Đức Phật cúi xuống, nhặt lấy vài chiếc lá vàng rồi nói với Ananda: "Những gì ta đã nói cũng chỉ như những chiếc lá này thôi, còn điều ta chưa nói thì giống như tất cả những chiếc lá trong khu rừng rộng lớn này.
Nhưng không phải vì ta giữ bí mật nào, mà vì có nói cũng không được. Những người hiểu điều ta đã nói thì sẽ tự tìm thấy chúng. Ta chỉ có thể là người hướng dẫn mà thôi. Còn đích đến mỗi người đều phải tự mình tìm ra".
Lời bàn: Không ai, dù là người vĩ đại nhất, có thể truyền dạy tất cả những điều mình biết cho người khác. Tự học hỏi, trải nghiệm và trau dồi bản thân là cách tốt nhất để làm giàu vốn hiểu biết của mình.
Câu chuyện thứ 3: Hai dặm đường
Một lần, Đức Phật đi khất thực cùng môn đồ Ananda. Đi bộ lâu khiến họ rất mỏi mệt. Họ muốn đến một thị trấn hoặc một khu làng gần nhất trước khi mặt trời lặn nên cố gắng đi nhanh nhất có thể, song họ lo lắng rằng, với tốc độ này, có lẽ họ sẽ khó mà tới được thị trấn kia, và phải ngủ lại qua đêm ở trong rừng.
Nhìn thấy một người nông dân đang làm đồng ở phía trước, Ananda đã hỏi xem còn bao xa thì đến thị trấn. Người đàn ông trả lời ngay: "Không xa nữa đâu, đừng lo, cùng lắm chỉ còn khoảng 2 dặm nữa sẽ tới nơi".
Nghe xong, Đức Phật mỉm cười, người nông dân cũng mỉm cười làm Ananda thấy khó hiểu, "Chuyện gì xảy ra thế nhỉ?", song không dám thắc mắc.
Đi hết 2 dặm đường, họ lại nhìn thấy một phụ nữ đang kiếm củi trong rừng. Ananda lại hỏi, "Bao lâu thì đến một ngôi làng?" Người phụ nữ lại khẳng định chắc nịch: "Không quá 2 dặm nữa là đến, đừng lo". Đức Phật mỉm cười, người phụ nữ cũng mỉm cười.
Họ lại vượt qua 2 dặm đường nữa, trước khi gặp một người thứ 3, cũng với câu hỏi ấy, và nhận được câu trả lời giống hệt như những lần trước.
Đến lúc này, Ananda vô cùng thất vọng, đặt cái túi trong tay xuống đất và nói với Đức Phật: "Con không đi nữa đâu, con mệt lắm rồi. Có lẽ ta sẽ chẳng bao giờ đi hết được 2 dặm này đâu. Con đã tin 3 lần rồi, thế nhưng…
Có một câu hỏi đã hiện lên trong đầu con suốt từ đầu tới giờ, tại sao Người lại cười với bọn họ? Người đâu có quen biết họ, họ cũng đâu có quen biết Người? Tại sao mọi người lại cười với nhau như vậy? Có thông điệp gì giữa Người và bọn họ ư?"
Trước sự thắc mắc của Ananda, Đức Phật mới nói: "Chúng ta cùng cười vì cùng tin vào một điều giống nhau, đó là làm sao để khích lệ người khác. Nếu ngay từ đầu cuộc hành trình, ngươi đã nói với người khác là còn 15 dặm đường nữa, người ta sẽ vì mệt mà chẳng muốn đi.
Nhưng nếu ngươi nói, chỉ còn 2 dặm nữa thôi, họ sẽ có thể đi thêm được 200 dặm nữa".
Đức Phật nói tiếp, "Và ta cười với họ vì ta biết ngôi làng này quá rõ. Ta đã từng đến đây rồi, ta biết là khi đó, chúng ta còn cách nơi đó xa hơn 2 dặm, nhưng vì ngươi cứ sốt sắng muốn biết nó còn bao xa, nên ta mới im lặng mà thôi".
Lời bàn: Hai người có cùng năng lực, cùng mục tiêu, một người thành công, một người thì thất bại, sự khác biệt nhiều khi nằm ở sự khích lệ mà họ nhận được. Do đó, đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của việc khích lệ người khác.
Theo Buddha Stories & Atmabodha