Chùa tọa lạc ở nơi có vị thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với thế đất con quy ẩm thực, được thư tịch và tư liệu cổ ghi nhận là một danh lam cổ tự đứng đầu thiên hạ. Trong tấm bia khắc dựng ngày 04 tháng 09 năm 1606 ghi việc trùng tu Vĩnh Nghiêm có mô tả cảnh quan chùa như sau: “Chùa Vĩnh Nghiêm là một danh lam thắng tích. Trước mặt bên phải thì có Xương Giang, Đức Giang, chẽ nhánh hội vào Lục đầu giang mênh mông uốn khúc đưa con thuyền từ bi cứu vớt chúng sinh.
Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang.
Đằng sau mé phải có Phương Sơn, Lạng Sơn, Hình Sơn, Quả Sơn trập trùng, quanh co muôn lớp sánh với cảnh Phật Bổ đà. Trong chùa thì kim tướng Phật ngự ở chính giữa an tọa trên tòa sen. Ngọc nữ bên trên dâng trà thượng giới, phong cảnh nơi đây thật kỳ diệu”. Chùa nhìn ra ngã ba Phượng Nhãn - nơi hợp lưu của hai con sông là sông Thương và sông Lục Nam, vùng Cẩm Lý - cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.
Giữ một vị trí địa lý tâm linh quan trọng, chính vì vậy mà suốt nhiều thập kỷ qua, nơi đây đã trở thành địa điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trước khi vượt sông leo núi về với kinh đô của đất thánh Yên Tử. Dân gian vẫn truyền tụng câu ca:
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”.
Chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ XI dưới thời Vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có tên là chùa Chúc Thánh (Chúc Thánh thiền tự). Theo bia tháp ghi lại, năm Thuận Thiên Nguyên Niên (1010), Vua Lý Thái Tổ cử hai quan trong triều là Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạt thiết kế đồ án, lo việc kiến thiết 8 ngôi chùa, trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay.
Chùa được hoàn thành vào năm 1016, vị trụ trì đầu tiên là Thiền sư Vạn Hạnh, kế tiếp là các vị: Đạo An, Minh Tâm, Bảo Tánh và Huệ Quang. Đến thế kỷ XIII, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho sửa sang, trùng tu, tôn tạo lại, đổi tên là chùa Vĩnh Nghiêm (Vĩnh Nghiêm tự) với mong muốn ngôi chùa mãi mãi trường tồn, mãi mãi tôn nghiêm.
Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã được nhân dân ta nhìn nhận và tôn vinh là một trong những Trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần mang đậm bản sắc dân tộc, là nơi tổ chức và thành lập mô hình Phật giáo nhất tông trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã có trước đó và cũng là mô hình Giáo hội Phật giáo cho các tổ chức Giáo hội sau này.
Theo sử sách ghi lại, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi có số lượng tăng, ni tham gia an cư kiết hạ rất đông và quần chúng phật tử đến nghe Pháp đại thừa khá lớn. Vì thế, chùa được xây dựng trong khuôn viên đất rộng, quy hoạch kiến trúc phải bảo đảm sự sinh hoạt cho tử chúng.
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây từ thời Vua Lý Thái Tổ.
Nếu vào thời điểm nhà Lý, chùa ít người biết thì đến đời Trần, kể từ khi Trần Nhân Tông chính thức khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và chủ trương đưa đạo Phật vào đời thì chùa Vĩnh Nghiêm với chức năng là trung tâm hoằng pháp của thiền phái đã có tầm ảnh hưởng rộng lớn không chỉ trong giới thiền môn mà còn ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều giới, nhiều lĩnh vực, nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Cả ba vị Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) đều lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm truyền bá Phật pháp của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, mà sau thời Trần nó vẫn tiếp tục phát triển theo dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Gần 800 năm qua, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trải qua nhiều biến cố, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử Việt Nam nhưng vẫn được duy trì và phát triển. Từ trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, tư tưởng của dòng thiền này lan rộng khắp các miền trong cả nước và lan tỏa ra khu vực và trên thế giới.
Chùa Vĩnh Nghiêm chính là Thánh tích quan trọng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung, của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng được coi là trường Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam và cũng được coi là chốn tổ Vĩnh Nghiêm, được các nhà nghiên cứu coi là “Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đại thừa”.
Công trình niến trúc nghệ thuật độc đáo
Trải qua gần một thiên niên kỷ với nhiều lần trùng tu, tôn tạo, công trình kiến trúc hiện nay của chùa Vĩnh Nghiêm là sản phẩm của hai triều đại Lê Trung Hưng và triều Nguyễn. Để đáp ứng nhu cầu thờ Phật và nơi đào tạo tăng đồ của cả nước, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô lớn. Các cụm kiến trúc được sắp xếp trong một không gian hình chữ nhật, dàn trải theo một trục dọc và theo trật tự từ hướng Nam đến hướng Bắc thành năm tổ hợp kiến trúc chính: Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà Tổ đệ nhị.
Bia đá cổ chùa Vĩnh Nghiêm
Tam quan: Tam quan chùa Vĩnh Nghiêm là công trình kiến trúc gỗ xây theo lối chồng diêm gồm 01 gian, 02 chái với 02 tầng 08 mái đao cong. Bờ nóc xây gạch phủ vữa, giữa đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải xây gạch trát vữa, khúc nguỷnh tạo hình nghê chầu, bờ guột xây gạch phủ vữa nối các đầu đao cong; ba cửa ra vào tượng trưng cho ba yếu tố Giả - Hư - Không của đạo Phật, ba điều mà người tu thiền phải nắm vững. Qua chốn Tam quan này nghĩa là đã bước vào cảnh thiền, tất sẽ được Phật độ để lòng tĩnh lặng, thanh thoát. Tòa kiến trúc này được phục dựng lại vào năm 1993-1994.
Tam bảo: Là tổ hợp ba công trình thờ Phật theo phái Đại thừa - một tông phái đặc trưng là thờ nhiều Phật, Bồ tát và hành giả, trong đó, thờ tượng Bồ tát là đặc trưng tiêu biểu của tông phái Đại thừa. Với cấu kiện kiến trúc gỗ gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện, ba công trình này tạo thành một khối, bố cục mặt bằng theo kiểu chữ “công” với thiết kế khang trang, lối tàu bảy, đao lá, mái 4 đao, 8 kèo, kiểu con chồng thượng tam hạ tứ.
Tòa ngoài cùng là tòa Tiền đường gồm 5 gian 2 chái; kết cấu các vì kèo theo kiểu kẻ chuyền, tiền kẻ hậu bẩy, giá chiêng con chồng chạm khắc cầu kỳ. Nối giữa toàn Tiền đường với tòa Thượng điện là toà Thiêu hương có 3 gian; kết cấu vì kèo theo lối kẻ chuyền. Tòa Thượng điện ở trong cùng gồm 3 gian, cũng làm theo lối kẻ chuyền kẻ moi, không chạm khắc mà bào trơn đóng bén chắc chắn.
Tòa Tam bảo lưu giữ 3 báu vật của chốn Thiền môn là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Phật bảo ở đây là những pho tượng được để ở ngôi tôn quý, thờ phụng, hương hỏa quanh năm. Pháp bảo là các kinh sách bàn về việc nhà Phật. Tăng bảo là những người xuất gia tu hành chuyên tâm lo việc nhà Phật, là cầu nối giữa Phật và chúng sinh. Cả ba điều này đều được người dân giữ gìn, bảo quản với tinh thần chỉ làm thêm cho đẹp, cho tốt hơn chứ không lấy đi. Ai cũng tâm niệm rằng của Bụt mất một đền mười, vì vậy, nếu nhỡ có ai vô ý lấy đi thì lòng trần day dứt lại đem về làm lễ hoàn lại, ăn năn hối lỗi cả đời.
Một góc chùa Vĩnh Nghiêm
Một điều rất đặc biệt được chú ý tại tòa Tam Bảo đó là nền đất nện được bảo lưu từ khá lâu đời mà không phải một ngôi chùa cổ Việt nào vẫn còn lưu giữ được. Nền đất nện trong giới nhà Phật có ý nghĩa là một chất liệu tiết nên sự hòa hợp âm dương.
Vào trong tòa Tam bảo ai ai cũng sẽ cảm nhận được nơi đây có không khí trong lành, mát mẻ khiến lòng thêm thanh tịnh. Sự bài trí hệ thống tượng Phật, hoành phi, câu đối, đồ thờ tự đã làm cho nơi đây thực sự tôn nghiêm, đúng với cảnh thiền, cảnh Phật. Du khách thập phương tới đây ai cũng kính cẩn nghiêng mình và tự thắp một nén hương trầm cúng dàng chư Phật để tỏ chút lòng thành, và nguyện đem chút sức lực, tài lực nhỏ nhoi của bản thân góp xây cảnh Phật, cảnh thiền ngày thêm đẹp hơn.
Nhà Tổ đệ Nhất: Đây là nơi thờ ba vị tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Được bố cục mặt bằng theo lối chữ “công” mang nét đặc trưng kiến trúc thời Lê Trung Hưng (TK XVIII), gồm 3 gian 2 chái Tiền đường, 2 gian Ống muống và 1 gian 2 chái Hậu cung, lớp ngói mũi hài theo cấu trúc 4 mái; diện tích nền tuy không lớn nhưng khá bề thế, trang nghiêm.
Nhà Tổ đệ nhất được tạo tác với những bộ vì mái kết cấu gỗ theo lối kẻ chuyền giá chiêng, kẻ chuyền độc trụ, không có nhiều mảng điêu khắc hoa văn cầu kỳ mà hầu như bào trơn đóng bén, mộng thắt. Do có tòa nhà Tổ đệ nhất này nên chùa Vĩnh Nghiêm trở thành ngôi chùa cổ có kiến trúc giàu bản sắc Phật Việt nhất mà không có ngôi chùa nào cổ trong khu vực Bắc Bộ có được.
Ở Bắc Giang, các chùa có quy mô lớn thường xây nhà tổ sau tòa Tam bảo. Nhưng ngôi nhà tổ này của các chùa chỉ có tượng thờ vị tổ đầu tiên của chùa ấy, hoặc đắp chùa chỉ có tượng Bồ Đề Đạt ma để thờ chứ không có tượng Tam tổ Trúc lâm. Đây, chính là điều khác biệt mà chỉ có ở chùa Vĩnh Nghiêm chứ không giống các ngôi chùa khác trong tỉnh Bắc Giang nói riêng và vùng Đông Bắc Bắc Bộ nói chung.
Gác chuông: Là kiến trúc hai tầng ở sau nhà Tổ đệ nhất, có kiến trúc “thượng thu, hạ thách” mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Tầng trên có sàn gỗ, giữa treo một quả chuông lớn được đúc năm Minh Mạng thứ 11 (1830) là nơi sớm chiều các sư tăng thỉnh chuông hoằng pháp đạo Phật tới thập phương. Đây là một công trình có kiến trúc đẹp với đao tàu kẻ góc và sự kết hợp hài hòa giữa các chất liệu gỗ và gạch ngói.
Nhà Tổ đệ nhị: Tọa lạc phía sau Gác chuông, bố cục mặt bằng theo kiểu chữ “nhị”, gồm 11 gian Bái đường chạy song song với 3 gian hậu cung, nối với nhau bởi một máng xối là khoảng chảy của mái sau tòa Bái đường với giọt chảy mái trước tòa hậu cung. Đây là công trình thời Lê - Nguyễn, là nơi an trí tượng, bài vị hoặc ảnh thờ các vị tổ sư kế tiếp ba vị tổ sư khai sáng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Hành lang: dọc hai bên các tòa nêu trên là hai dãy hành lang, đây cũng là để du khách đến chùa ngồi nghỉ. Nơi đây, không đặt các tượng La Hán như chùa khác, đó cũng là nét khác biệt với các ngôi chùa cổ Việt ở Bắc Giang.
Có thể nhận thấy rằng, chùa Vĩnh Nghiêm mang đậm bản sắc văn hóa Phật Việt ở chỗ nơi đây đã dành riêng hai ngôi nhà thờ Tổ theo dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà không có thờ tổ Bồ Đề Đạt ma. Hay như, theo bố cục kiến trúc của chùa cũng có thể hiểu rằng các tổ xưa theo đạo Phật nhưng vẫn coi trọng Phật giáo Ấn Độ và coi trọng Tông phái Đại thừa du nhập vào nước ta. Điều đó được thể hiện ở tòa Tiền đường - Tam bảo xây dựng ở ngôi đầu tiên, hướng ra khoảng không gian rộng lớn phía trước.
Như vậy, ở chùa Vĩnh Nghiêm tồn tại song song kiểu thức kiến trúc thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, vừa mang lại tính chất đa dạng của công trình vừa là một ví dụ tốt cho việc nghiên cứu so sánh các giai đoạn kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Hệ thống tượng Phật chùa Vĩnh Nghiêm tương đối hoàn chỉnh về hình thức, vị trí, thứ bậc, chức năng,… và đều là những tác phẩm điêu khắc đẹp trong kho tàng tượng Phật ở Việt Nam. Điêu khắc tượng tròn ở chùa Vĩnh Nghiêm chiếm một vị trí đặc biệt về giá trị mỹ thuật tiêu biểu của thời Nguyễn.
Hệ thống tượng Phật rất lớn về số lượng, phong phú về thế dáng, tỷ lệ, đa dạng về hình thái biểu cảm. Nghệ thuật điêu khắc chuẩn mực cả về tỷ lệ tả chân theo lối ước lệ của tượng Phật. Giá trị lớn nhất về kiến trúc của chùa Vĩnh Nghiêm chính là ở cảnh quan không gian với vị trí phong thủy khá đẹp và ở sự kết nối liên hoàn các hạng mục công trình, tạo ra một mặt bằng dạng chùa trăm gian nguy nga, khẳng định vai trò một trung tâm Phật giáo thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
BQL Di tích lịch sử - văn hóa huyện Yên Dũng, Bắc Giang
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)