Linh Sơn Cổ Tự - Bình Thuận

date
06/10/2020
Tổ Đình Linh Sơn cổ tự tọa lạc giữa lưng chừng núi Linh Sơn Vĩnh Hảo, do Tổ Hải Bình Bảo Tạng khai sơn vào khoảng năm 1838 – 1839. Khởi nguyên của ngôi Chùa là một hang đá bên dòng suối, xưa kia Tổ Bảo Tạng từ Trà Can vào để ẩn thân tu thiền, do cảm ân đức của Tổ nên dân làng dựng lên ngôi Chùa bằng tranh để thờ phụng Tam bảo và làm nơi hành đạo cho Tổ Bảo Tạng. Dân làng thỉnh Tổ khai sơn trụ trì và được Tổ đặt hiệu Chùa là Linh Sơn Tự. Đặc biệt Chùa còn giữ được một số bảo vật như Ấn Đồng, quả Đại Hồng Chung và nhất là pho tượng Tổ Bảo Tạng bằng đồng rất có giá trị về mặt lịch sử.

Tổ Đình Linh Sơn cổ tự tọa lạc giữa lưng chừng núi Linh Sơn Vĩnh Hảo, do Tổ Hải Bình Bảo Tạng khai sơn vào khoảng năm 1838 – 1839. Khởi nguyên của ngôi Chùa là một hang đá bên dòng suối, xưa kia Tổ Bảo Tạng từ Trà Can vào để ẩn thân tu thiền, do cảm ân đức của Tổ nên dân làng dựng lên ngôi Chùa bằng tranh để thờ phụng Tam bảo và làm nơi hành đạo cho Tổ Bảo Tạng. Dân làng thỉnh Tổ khai sơn trụ trì và được Tổ đặt hiệu Chùa là Linh Sơn Tự. Đặc biệt Chùa còn giữ được một số bảo vật như Ấn Đồng, quả Đại Hồng Chung và nhất là pho tượng Tổ Bảo Tạng bằng đồng rất có giá trị về mặt lịch sử.

Để lên chùa phải đi theo con đường dốc nghiêng men triền núi, là con đường bê tông sơ sài gập ghềnh, lúc thì đá, lúc thì bậc thang nối tiếp nhau.

Tương truyền rằng, sau hơn 10 năm tu tập tại chùa Long Sơn Bát Nhã tỉnh Phú Yên, thiền sư Hải Bình Bảo Tạng, người làng An Sơn, Tuy An, tỉnh Phú Yên từ biệt sư thầy của mình là hòa thượng Tánh Không Giác Ngộ lên đường du phương tìm nơi thiền định và an trú.

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, khi lương thực mang theo đã cạn kiệt và sức lực cũng không còn, chiếc bè tre tấp vào một vùng vịnh hoang sơ, quang cảnh hùng vĩ, đẹp đẽ.

Nhà sư trẻ sau nhiều lần ngất đi vì đói và kiệt sức, nhưng khi nghe tiếng róc rách của dòng suối chảy ra từ những rặng đá, tiếng chim muông hót líu lo thì biết rằng cơ duyên đã chọn ông để an trú tại đây.

Lần theo con suối đi ngược lên núi tìm nơi thiền định, ông đã chọn một hang đá nằm giữa thung lũng có dãy núi đá bao quanh bên cạnh dòng suối làm chốn dừng chân.

Cứ thế, nhà sư an trú tại đây, hàng ngày tu tập đạo pháp, vui thú với cỏ cây, đói ăn rau rừng, khát uống nước suối, sống một cuộc đời đạo hạnh giữa núi rừng.

Sau khi sư Bảo Tạng mất, sư Ngộ Huệ là đệ tử của ngài đã tạo lập một thảo am đơn giản làm bằng cây rừng lợp tranh đặt tên Linh Sơn Tự để tu tập và hành trì.

Từ đó, những sư thầy kế thừa và phật tử khắp nơi đã dày công trùng tu, tôn tạo để có được Linh Sơn Cổ Tự như ngày nay.


 Bên cạnh Chùa có con suối Hàm Rồng, đến mùa mưa, từ trên cao trong từng khe đá, nước phun ra thành nguồn suối mạnh tưởng như con rồng đang phun nước. Phía dưới suối Hàm Rồng là hang Tổ. Trong hang tôn trí bảo tượng Tổ Bảo Tạng và long vị của Ngài. Hang Tổ nằm bên bờ suối. Đá chồng chất lên nhau làm cho cảnh quan thêm hùng tráng. Bên cạnh hang có xây một bảo tháp và bia đá tán thán công đức của Tổ Bảo Tạng. (Bảo tháp này do Đại Đức Nguyên Thận và Phật Tử xây dựng vào năm 1995).

Tuy không phải là một ngôi tự lớn nhưng vì nằm ở vị thế lưng chừng núi Linh sơn, đường đi là đường men theo sườn núi; công việc xây cất, trùng tu, tôn tạo ngôi chùa trong nhiều thời kỳ ắt hẳn rất khó khăn. Tất cả đều dùng sức người để mang vác vật liệu từ chân núi lên đến lưng chừng núi và đỉnh núi. Việc tập trung vật liệu đã khó, việc vận chuyển cả khối vật liệu xây dựng lên núi càng khó khăn hơn trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Nhìn từng con đường, viên gạch, bức tường, pho tượng....càng thấy công lao của phật tử và các sư thầy trong việc kiến tạo một ngôi chùa trên núi quả thật là một kỳ công hiếm thấy.

Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)