Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là ngôi chùa cổ nhất Tuyên Quang được dựng vào năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông (Càn Đức), chùa thờ phụng đức Phật tổ, tổ tiên và Lý Nhân Tông. Tại đây còn lưu giữ một hiện vật rất quý thời Lý đó là tấm bia đá được tạc bằng đá xanh nguyên khối (tấm bia được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia năm 1998). Năm 2013 bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia.
Tọa lạc trên lưng chừng một gò đồi thấp có tên gọi gò Khuôn Khoai thuộc thôn Tạc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hoá, Tuyên Quang); chùa Bảo Ninh Sùng Phúc hiện ra như một bức tranh cổ kính, thanh tĩnh và ẩn chứa trong đó những câu chuyện lịch sử.
Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là ngôi chùa cổ nhất Tuyên Quang được dựng vào năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông
Cũng giống như bao ngôi chùa Việt khác, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng, là nơi để người dân gửi gắm mối liên hệ tinh thần với thần linh giúp con người giải tỏa được mọi lo toan, nhọc nhằn của đời sống thường nhật hoặc những sầu não về tinh thần hoặc vật chất trong cuộc đấu tranh sinh tồn, mang lại cho con người những giây phút thanh nhàn, những khao khát trong sáng hướng tới chân, thiện, mỹ của cuộc sống.
Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là ngôi chùa cổ nhất hiện còn tìm thấy ở Tuyên Quang, là nơi còn lưu giữ được tấm bia thời Lý quý giá trên phạm vi cả nước. Ngôi chùa do một dòng họ thế tập đứng ra xây dựng mà người chủ trì là Hà Hưng Tông, hậu duệ đời thứ 15 giữ chức châu mục châu Vị long. Chùa được xây dựng vào năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông (Càn Đức) niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa. Chùa do thái phó Hà Hưng Tông - Tri châu Vị Long, Phó Ký lang, Đô tri tả vũ vệ đại tướng quân, Kim tử quang lộc đại phu, Kiểm hiệu thái phó, Đồng quang trung thư môn hạ bình chương sự, kiêm quán nội quản nội khuyến nông sự, Thượng trụ quốc, thực ấp ba nghìn chín trăn hộ, thực ấp chín trăn hộ chủ trì xây dựng.
Khác với phần lớn các ngôi chùa được xây dựng vào thời Lý do các triều vua xây dựng, chủ yếu tập trung ở đồng bằng và vùng người Việt, chùa do một dòng họ thế tập xây dựng tại một địa phương miền núi xa xôi. Dựa vào những dấu tích của chùa còn sót lại trên mặt đất và qua nhiều đợt tra khảo khảo sát khảo cổ học tháng 5/2005, có thể hình dung ra quy mô của chùa khi mới được xây dựng khá bề thế. Chùa được quay theo hướng nam, hướng ấm về mùa đông mát mẻ về mùa hè. Hướng nam là hướng đầy dương tính, sáng sủa, hướng của đế vương " Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ" (thánh nhân quay mặt về hướng nam mà nghe lời tâu bày của thiên hạ). Chùa được xây dựng trên đồi Khuôn Khoai, (Bia đá tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc) xa xa là dòng suối Cả, quay mặt xuống cánh đồng vối, từ đây có thể bao quát cả một dải núi đá liên hoàn theo thế tay ngai rất hợp với thuật phong thủy của những cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đó là nơi có nguồn nước mang yếu tố ấm, chùa được dựng trên đồi cao, chân núi mang yếu tố dương tạo nên cặp âm dương đối đãi thể hiện ước vọng muốn thông qua thần linh để muôn loài sinh sôi phát triển. chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được dựng ở nơi linh địa tươi tốt, cao ráo. Với cây cối um tùm, đá bày lặng lẽ tạo cảm giác trang nghiêm, tĩnh mịch bầu không khí thanh bình nhưng không kém phần trang nghiêm khi đến với chùa.
Hiện nay tại chùa còn lưu giữ được tấm bia được tạc bằng đá xanh nguyên khối vào thời nhà Lý. Bia có chiều cao 1,39m rộng 0,8m và dày 0,8m. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá, rùa có chiều dài 1,50m, rộng 0,09m cao 0,32m, cổ và đầu rùa dài 0,38m. Phần chân bia dài 0,59m, rộng 0,09m cắm vào lưng rùa. Rùa được đặt trên mặt đất, 4 chân tạc nổi, mỗi chân có 5 móng, đuôi rùa mỏng, được tạc uốn cong vắt lên lưng. Đầu rùa ngẩng cao, tạo vẻ uy nghi đường bệ. Toàn thân rùa cũng được tạc bằng phiến đá xanh nguyên khối với những nét trạm rất tinh tế, mềm mại, hình khối cân đối và vững trãi. Lưng rùa nhẵn và tròn trịa, giữa lưng có đục một mộng ghép hình chữ nhật để ghép chân bia và chính mộng ghép này giữ cho bia đứng ngay ngắn trên lưng rùa. Diềm bia được trang trí dầy đặc cả ba phía ( trừ chân bia) bằng các hoa văn kiểu hoa mướp cái nọ nối cái kia uyển chuyển và liên hoàn không rứt, hai bên cạnh bia cũng được trang trí hình tròn, trong có trang trí hình rồng và các hình tròn bên trong có các hình hoa sen cánh xen kẽ nhau. Trán bia khắc dòng chữ lớn: "Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi". Văn bia khắc kín phần thân bia còn lại, gồm 25 dòng với 1130 chữ, hai góc của trán bia có khắc hình hai con rồng với đặc trưng nổi bật của rồng thời Lý. Thân rồng hình tròn trặn có nhiều khúc uốn lượn, thân dài và nhỏ dần về phía đuôi chứa đựng dáng dấp của một con rắn. Khúc uốn của rồng nhẹ nhàng thanh thoát với nhiều hình tròn được nối với nhau thành một chuỗi dài liên tiếp. Đầu rồng không lớn rất cân đối với thân rồng và có bờm khá dài phía sau gáy. Hai con rồng chầu hai bên trán bia đều ở tư thế nhìn nghiêng và giống hệt nhau cả về khích thước cũng như kiểu dáng, làm nền cho hình tượng con rồng là các hoa vân mây và một số hoa văn hình chữ S, biểu hiện ý niện về mây, mưa, sấm, chớp.
Hiện nay tại chùa còn lưu giữ được tấm bia được tạc bằng đá xanh nguyên khối vào thời nhà Lý.
Do phần lớn các công trình kiến trúc chùa thời Lý đã bị biến dạng hặc mất dấu vết nên muốn nhận diện lại hình ảnh kiến trúc của ngôi chùa với những nét khái quát tương đối phải dựa vào nội dung của văn bia mô tả chùa được soạn cùng thời điểm dựng chùa. Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là cứ kiệu rất quan trọng giúp ta nhận định lại kiến trúc ngôi chùa thời Lý.
Vào thời Lê, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được trùng tu lại. Qua kết quả nghiên cứu, khảo sát và đoàn tham sát có thể nhận định vào thời Lê chùa có hai tòa nhà chính, móng hai tòa nhà được kè bằng bằng đá cuội và đá phiến cùng gạch, ngói thời Lý tạo thành hình chữ T. Nhiều hiện vật thời Lê đã được tìm thấy như: Gốm trang trí sóng nước hình vẩy cá, con kìm hình đầu rồng, diềm mái kiến trúc hình răng cưa, diềm mái hình lá đề, lá lan đằng ở đầu đao.
Vào thời Nguyễn, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã hoàn toàn bị sập đổ, hiện vật chỉ tìm thấy một mảnh lư hương Phù Lãng.
Từ rất sớm ngôi chùa đã là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của mảnh đất Tuyên Quang. Ngôi chùa không chỉ cho biết về công lao của dòng họ Hà trong việc chăn lo dân chúng, phát triển vùng đất Chiêm Hóa - Tuyên Quang sầm uất mà còn ghi dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc tấn công phòng vệ vào Châu Ung trên đất Tống của quân dân Đại Việt với sự tham gia của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc cũng cho thấy sự phát triển rộng khắp của phật giáo - quốc giáo dưới triều Lý, không chỉ có ảnh hưởng sâu rộng ở miền đồng bằng mà còn phát triển tới cả những vùng miền núi xa xôi, sự phát triển đạo phật, một cơ sở tinh thần có những yếu tố tích cực cảu thời đại, góp phần vào sự đoàn kết ý chí thống nhất Tổ quốc thời bấy giờ, những hiện vật quý giá còn lại của chùa là những tài liệu tiêu biểu để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về các nghề thủ công truyền thống của dân tộc ta.Văn bia chùa còn là một di sản văn học quý giá với những áng văn cô đọng, súc tích mà rất hào hoa, bay bổng.
Ngôi chùa được xây dựng ở nơi địa thế đẹp, quy mô bề thế, là nơi nhân dân trong vùng tới lễ, bầy tỏ lòng thành kính, niềm khát vọng của mình mong muốn nhờ sức mạnh của đức phật ban cho cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của những cư dân nông nghiệp lúa nước.
Ngôi chùa là cứ liệu quan trọng giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu đặc trưng văn hóa, kiến trúc, lịch sử của vùng đất Tuyên Quang.
Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, tới nay chùa chỉ còn lại dấu tích và những hiện vật còn lại trên nền chùa xưa là minh chứng lịch sử cho sự tồn tại của một danh lam cổ kính tồn tại từ thời Lý và được trùng tu nhiều lần vào những thời đại kế tiếp. Ngôi chùa là cứ liệu quan trọng giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu đặc trưng văn hóa, kiến trúc, lịch sử của vùng đất Tuyên Quang. Thông qua di tích, các thế hệ người con của Tuyên Quang tự hào với bạn bè về truyền thống văn hóa đặc sắc và bề dày lịch sử của quê hương, thông qua đó hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
chuaviet.org tổng hợp