Cách trung tâm thành phố Yên Bái khoảng 35km về phía Đông, chùa Phúc Hòa là thiết chế Phật giáo gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Hán Đà, huyện Yên Bình.
Vào khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, vùng đất Hán Đà còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, một số gia đình dòng họ Phạm, Nguyễn từ Nam Định, Thái Bình di cư lên khai phá, lập nghiệp, sinh sống tại khu vực vùng ven sông Chảy. Khi rời quê hương, họ mang theo Phật giáo - nơi gửi gắm niềm tin, niềm hy vọng về một cuộc sống an bình, no ấm và hạnh phúc nơi miền sơn cước xa lạ. Sự ra đời chùa Phúc Hòa - một thiết chế thờ Phật là kết quả của quá trình chung sống, giao lưu văn hóa giữa người bản địa với người dân di cư miền xuôi. Khởi đầu, chùa chỉ là một am nhỏ có kiến trúc đơn sơ, được dựng bằng những vật liệu có sẵn, như: tre, nứa, lá cọ… trong am đặt một bát hương, có chức năng thờ Phật.
1.Tên Di tích
- Di tích lịch sử - văn hóa chùa Phúc Hòa, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
- Tên gọi khác của di tích: Tên gọi theo Phật giáo: Phúc Hòa Tự (nghĩa là chùa Phúc Hòa).
2. Loại hình Di tích
- Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
3. Quyết định công bố Di tích
- Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 16/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận chùa Phúc Hòa, xã Hán Đà, huyện Yên Bình là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
4. Địa điểm và đường đến Di tích
Chùa Phúc Hòa thuộc xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, có diện tích khoanh vùng bảo vệ là 1365,0m2.. Xã Hán Đà nằm trên trục đường Quốc lộ 37 đi Tuyên Quang, đây là tuyến đường nối liền các xã với trung tâm huyện nên giao thông đi lại dễ dàng và thuận lợi. Chùa cách trụ sở xã Hán Đà 2km, cách trung tâm huyện 25km về phía Đông, cách trung tâm tỉnh Yên Bái 35km về phía Đông. Đến di tích chùa Phúc Hòa, xã Hán Đà, huyện Yên Bình bằng đường bộ và đường thủy đều thuận lợi: Du khách đi từ thành phố Yên Bái (bến xe, ga), hoặc từ Hà Nội lên, đi theo đường Quốc lộ 70 Yên Bái - Hà Nội - Yên Bái đến ngã ba Cát Lem, đi tiếp vào xã Hán Đà là tới Di tích, Di tích tọa lạc tại thôn Phúc Hòa 2. Nếu du khách đi theo đường thủy: Từ bến cảng Hương Lý (Yên Bình) đi ca nô đến bến thị trấn Thác Bà (nhà máy thủy điện Thác Bà), đi tiếp 3km tới xã Hán Đà - nơi Di tích tọa lạc tại thôn Phúc Hòa 2.
5. Sơ lược lịch sử Di tích
Chùa Phúc Hòa, xã Hán Đà, huyện Yên Bình là ngôi chùa có lịch sử từ lâu đời được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX.
Lịch sử Chùa Phúc Hòa được sử sách ghi lại. Vào thế kỷ XIX khi dân cư vùng đất Hán Đà còn thưa thớt, một số người Kinh của các dòng họ Phạm, họ Nguyễn di cư từ Nam Định, Thái Bình lên định cư, sinh sống bên ven sông Chảy. Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày đã có sự giao lưu văn hóa giữa người bản địa và người Kinh di cư lên, từ đó tín ngưỡng thờ Phật cũng được hình thành. Do đó, người dân bản địa trong vùng trong đó có cả người Kinh di cư lên đã dựng một am nhỏ bên ven sông Chảy để cầu bình an, cầu sức khỏe,…
Khởi đầu, am được dựng với kiến trúc nhỏ, đơn sơ, được dựng bằng tre, nứa lợp lá cọ. Diện tích khoảng 9m2, trong am đặt một bát hương và có chức năng thờ Phật.
Đến năm 1930, am được xây dựng lại và lấy tên là chùa Phúc Hòa, lúc này kiến trúc chùa khang trang và rộng rãi hơn. Bên trong chùa đồ thờ tự chưa thật đầy đủ song đã mang dáng dấp của ngôi chùa Việt, chùa thờ Phật và Đức Thánh Hiền. Đến năm 2007, do bị sập và hư hỏng trong chiến tranh, chùa Phúc Hòa được xây dựng lại tại thôn Phúc Hòa 2, lúc này chùa Phúc Hòa mang kiến trúc to đẹp hơn, khang trang hơn với dãy nhà 3 gian, mái lợp cọ, xung quanh được lịa bằng gỗ, chùa quay theo hướng Tây Bắc, bên trong được trạm trổ đẹp và tinh xảo.
6. Các nhân vật được thờ tự
Chùa Phúc Hòa thờ Phật và Đức Thánh Hiền, trong Chùa bài trí các tượng thờ các nhân vật sau: Bộ tượng Phật Tam Thế: gồm ba pho tượng xếp thành một dãy, hình dáng giống nhau. Bên trái là Hiện tại thế, bên phải là Vị lai thế, ở giữa là Quá khứ thế. Bộ tượng Di đà Tam Tôn: gồm 3 pho tượng lớn, ngồi giữa là pho tượng đức A Di Đà Phật (thể hiện tính bát đại, từ tâm, trí tuệ ), tượng đức Đại Thế Chí Bồ Tát bên phải (Đại hùng, đại lực, đại trí, đại dũng), tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bên trái (Đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả). Bồ tát Đức Phổ Hiền (thể hiện đức hạnh), bồ tát Văn Thù (thể hiện trí tuệ) là một trong 4 vị đại Bồ tát của Phật giáo (Đại hạnh Phổ Hiền bồ tát, Địa Tạng Vương Bồ tát, Văn Thù Bồ tát, Quan Thế âm bồ tát).
Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (Thiên thủ thiên nhãn): có 42 tay lớn và rất nhiều tay nhỏ, mỗi tay đều có mắt. Trong 42 tay lớn, có 2 tay chắp, 2 tay đặt trong tư thế thiền định, các tay còn lại được chia đều ra hai bên, các tay đều cầm pháp khí, trông rất uy lực. Tượng Đức Chúa ông: Hay còn gọi là Ban Đức ông là trưởng giả Cấp Cô Độc bởi ông thường xuyên giúp đỡ người nghèo, cứu người khổ, chia sẻ với những ai thiếu thốn. Đây là một doanh nhân mộ đạo nhất, là thí chủ lớn nhất từ trước đến nay. Tượng Đức Thánh Hiền: Đứng bên phải tiền đường, tượng mặc áo cà sa vàng, đội mũ Liên hoa Thất Phật, chân dung hiền hòa, tươi tắn, bên cạnh có hai vị thị giả. Theo cách gọi dân gian đây là A Nan Đà là anh họ cũng là đệ tử thứ hai của Đức Thích ca Mâu ni, thuộc dòng dõi Bà la môn. Bộ tượng Đức Hộ Thiện, Hộ Ác: Đây là hai vị Hộ pháp được tạc tượng theo kiểu võ sĩ cổ, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ. Một người tay cầm viên ngọc, người kia tay cầm binh khí. Đây là hình thức giáo dục con người nên ăn hiền, ở lành; không nên có ác tâm. Tòa Cửu long: được xây dựng theo tích Thích Ca sơ sinh - một trong bốn tích quan trọng trong đời Phật (đản sinh, xuất gia, thành đạo và viên tịch).
7. Các hiện vật trong Di tích
Được phục dựng lại năm 2007, đến nay sự phân bố hiện vật tại di tích chùa Phúc Hòa đã khá đầy đủ, cụ thể như sau:
- Tượng Phật Tam thế: Cao 70cm, đế 25cm.
- Tượng Di đà Tam tôn: Cao 1,2m.
- Tượng Thích ca Mâu ni: Cao 90cm, đế 1,5m.
- Tòa Cửu Long: Cao 2m.
- Đức Thánh Hiền: Cao 1,2m, đế 90cm.
- Tượng Hộ pháp: Cao 1,5m.
- Đức Chúa Ông: Cao 1,2m, đế 90cm.
- 01 cây nến và 01 lọ nhang bằng gỗ.
8. Phong tục lễ hội
Hàng năm tại chùa Phúc Hòa, xã Hán Đà diễn ra các lễ hội như Tết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng), lễ Phật Đản (mùng 8/4 âm lịch), lễ xá tội vong nhân (rằm tháng 7) để gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đồng thời là nơi giáo dục con người hướng tới "chân, thiện, mỹ"; tinh thần yêu nước, thương dân, đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Lễ Thượng Nguyên (ngày 15 tháng Giêng): Đây được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất của một năm mới. Rằm tháng Giêng còn được gọi là "Hội hoa đăng" hay "Lễ hội đèn hoa". Vào ngày lễ này người dân trong vùng lại nô nức chuẩn bị mâm lễ gồm oản, bánh mật, hoa quả và hương, hoa, đèn, nến đi chùa lễ Phật cầu lộc, cầu tài, cầu mong cho sự bình yên, khỏe mạnh quanh năm. Nếu là Phật tử thì ngồi trước bàn thờ Phật tụng kinh để cầu bình an. "Hội hoa đăng" hay "lễ hội đèn hoa" là lễ hội được trang trí bằng những đèn hoa nhằm tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam. Đặc biệt lễ hội đầu năm mới, đốt đèn cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất. Đây là lễ hội vừa mang tính thẩm mỹ, giàu truyền thống vừa mang lại giá trị tâm linh cho một năm mới tốt đẹp.
Lễ Phật đản (ngày 8/4 âm lịch): Đây là ngày lễ trọng đại được tổ chức hàng năm thu hút nhiều khách thập phương đến tham dự; tại chùa tổ chức long trọng với nhiều hoạt động phong phú như diễu hành, rước kiệu, văn nghệ mừng sự ra đời của Đức Phật và các hoạt động từ thiện khác.
Lễ Xá tội vong nhân (ngày 15 tháng 7): Theo tín ngưỡng dân gian, ngày 15/7 âm lịch là ngày "mở cửa địa ngục", các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vảng vất khắp nhân gian. Vì vậy, mọi người đều cúng chúng sinh bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối… để siêu sinh cho những linh hồn không nơi nương tựa ấy. Do đó, lễ xá tội vong nhân đề cao sự ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát. Cùng với lễ xá tội vong nhân là lễ báo hiếu. Đây là ngày lễ vô cùng quan trọng của Phật giáo. Sự ra đời của ngày này liên quan tới Bồ tát Mục Kiên Liên, truyền thuyết kể rằng Bồ tát Mục Kiên Liên sau khi đắc đạo tu luyện thành công nhiều phép thần thông vẫn không nguôi nhớ về mẹ.
Chùa Phúc Hòa, xã Hán Đà thường tổ chức cả hai lễ này vào cùng ngày 15 tháng 7 nên đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự. Tại chùa còn tổ chức long trọng với nhiều hoạt động phong phú như diễu hành, rước kiệu, văn nghệ mừng sự ra đời của Đức Phật và các hoạt động từ thiện khác.
Với những giá trị lịch sử lâu đời, là biểu tượng linh thiêng trong đời sống tinh thần của nhân dân Hán Đà và đông đảo người dân trong vùng. Chùa Phúc Hòa là nơi sinh hoạt tôn giáo, cầu cho quốc thái dân an, là niềm tự hào, hãnh diện của mỗi người dân xã Hán Đà. Là thiết chế tín ngưỡng - tôn giáo của đông đảo người dân địa phương trong quá trình bảo tồn, cũng như giao lưu và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay. Do đó, chùa Phúc Hòa, xã Hán Đà, huyện Yên Bình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái cung cấp)
chuaviet.org tổng hợp