Chùa Thầy là một nhóm những ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây nam, đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy.
Chùa Thầy nằm tựa vào núi, được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Chùa nằm trên khu đất hình hàm rồng. Phía trước là một sân rộng nhìn ra hồ Long Trì (ao rồng), tạo thành hàm trên, bờ hồ bên trái là hàm dưới. Giữa hồ Long Trì có thủy đình tựa như viên ngọc sáng nằm giữa miệng rồng. Từ sân có 2 cây cầu Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều nối sang 2 bên tạo thành 2 râu rồng, được xây dựng theo kiểu kiến trúc “thượng gia hạ kiểu”.
Ngôi chùa cổ, mái ngói cong được xây dựng khá khang trang với lối kiến trúc độc đáo kiểu chữ Tam gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng song song với nhau. Bao quát chùa là không gian thoáng đãng với hồ nước trong xanh có hoa khoe sắc nở, có thủy đình, nơi múa rối nước và hai chiếc cầu nhỏ là Nhất tiên kiều trông vào đền Tam phủ, còn Nguyệt tiên kiều nối với đường lên núi.
Qua cầu Nguyệt Tiên nối với con đường lên núi. Trên núi có chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn Tự, là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên.
Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức Ông, Thánh hiền. Ống muống để tượng Bát bộ Kim Cương. Chùa Trung bày bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương. Chùa Thượng hay chùa trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại hùng Bảo điện, đồng thời là nhà thánh, để tượng Di Đà tam tôn, tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh, tượng cha mẹ thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Thuở xưa đây là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh tu tập, ông là người có công lớn trong việc dạy học, chữa bệnh cho nhân dân và sáng lập nên bộ môn múa rối nước. Khi đến chùa bạn sẽ nhìn thấy một hồ nước trong xanh rộng lớn tên là Long Chiểu, có thủy đình với mái cong cong, có hai chiếc cầu nhỏ tên là Nhất tiên Kiều (trông vào đền Tam phủ) và Nguyệt tiên kiều (nối với con đường lên núi), một khoảng sân rộng được gọi là chiếu chèo - đây chính là nơi người dân ngồi xem các màn biểu diễn múa rối nước vào những dịp lễ hội.
Hội chùa Thầy hằng năm diễn ra từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 âm lịch. Trong ngày hội, nhiều tăng ni Phật tử từ các nơi khác trong vùng hội tụ về đây để dự lễ trong những bộ áo cà sa, tay cầm gậy hoa, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều. Lễ cúng Phật và trai đàn – một diễn xướng có tính chất tôn giáo – được thực hiện cùng dàn nhạc dân tộc. Ngoài ra, hội chùa Thầy còn có trò múa rồi nước mang đậm sắc thái dân gian mà ngày nay có tiếng vang ở nhiều nước. Trai thanh gái lịch gần xa tìm đến hội chùa Thầy còn để thoả mãn tính mạo hiểm khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu thương trong một khung cảnh thiên nhiên rộng mở, với non nước hữu tình, cỏ cây hoa lá chen sắc thắm.
Hồng Anh/chuaviet.org (tổng hợp)