Chùa Vạn Linh - Danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở núi Cấm An Giang

date
05/10/2020
Ngôi chùa nổi tiếng nhất vùng núi Cấm, thuộc địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Chùa Vạn Linh trước có tên là chùa Lá, là một ngôi cổ tự, đã qua nhiều lần trùng tu vì bị chiến tranh tàn phá. Ngày nay, chùa là một quần thể kiến trúc quy mô đồ sộ, có giá trị bậc nhất trên vùng núi Cấm linh thiêng.

Ngôi chùa nổi tiếng nhất vùng núi Cấm, thuộc địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Chùa Vạn Linh trước có tên là chùa Lá, là một ngôi cổ tự, đã qua nhiều lần trùng tu vì bị chiến tranh tàn phá. Ngày nay, chùa là một quần thể kiến trúc quy mô đồ sộ, có giá trị bậc nhất trên vùng núi Cấm linh thiêng.

Mảnh đất An Giang nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên nhuốm màu sắc huyền bí, trong đó phải kể đến vùng Bảy Núi hay Thất  Sơn. Nổi bật trong dãy Thất Sơn là ngọn núi Cấm cao khoảng 710m so với mực nước biển trung bình. Núi Cấm còn gọi là Thiên Cấm Sơn, nằm ngay trung tâm của vùng Bảy núi chính vì thế núi Cấm có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Đặc biệt, đỉnh Bồ Hong ở trên núi Cấm chính là đỉnh núi cao nhất trong Thất Sơn và cũng là ngọn núi cao nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long. Với khí hậu mát mẻ được ví như một phiên bản “Đà Lạt” của miền Tây, Núi Cấm trở thành điểm tham quan, vui chơi, chiêm bái hấp dẫn bậc nhất trong các điểm du lịch An Giang.

Toàn cảnh Khu du lịch Núi Cấm An Giang

Giới thiệu đôi nét về Núi Cấm

Núi Cấm là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong cụm Thất Sơn được nhiều người mộ đạo coi là ngọn núi thiêng với nhiều tên gọi khác nhau. Từ xa xưa núi Cấm có tên là núi Gấm, Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa). Cho tới nay vẫn còn nhiều giả thuyết về nguồn gốc núi Cấm, mỗi người có cách lý giải theo suy luận riêng của mình.

Tương truyền ngày xưa núi Cấm vô cùng hiểm trở và có nhiều thú dữ, ít ai lui tới nên trở thành một vùng sơn lâm bí ẩn. Lợi dụng sự hoang vu tịch mịch nhiều nhà sư đã tìm đến ẩn tu, các phường lục lâm thảo khấu cũng như những đảng cướp vùng biên thùy phức tạp nầy cũng lấy núi Cấm làm căn cứ.

Để không bị lộ, họ phao tin đồn rằng trên núi có rất nhiều thần linh, người dân không được bén mảng tới, ai vô cớ đặt chân lên sẽ bị quở phạt, về lâm bệnh mà chết. Người dân thời bấy giờ rất sợ và gọi đó là núi Cấm. Một truyền thuyết mang tính lịch sử là Nguyễn Ánh bị quân binh Tây Sơn truy nã đến đây, ông và đoàn tùy tùng chạy lên núi Cấm ẩn trú. Để yên bề bí mật, các cận thần của Nguyễn Ánh cho người đi phao tin rằng trong núi đầy yêu tinh, ác thú nhằm hạn chế sự nhòm ngó của dân lành. Hay lời cấm đoán của Phật Thầy Tây An - Đoàn Minh Huyên cấm không cho bổn đạo lên núi làm ô uế núi non nên mới có tên là núi Cấm…

Từ một ngọn núi hoang vu “cấm kỵ”, giờ núi Cấm đã ra dáng là khu du lịch Lâm Viên.

Lịch sử ra đời chùa Vạn Linh

Chùa Vạn Linh có một lịch sử lâu năm. Đầu tiên, vào năm 1927, nhà sư Thích Thiện Quang đã lên núi Cẩm ẩn tu và dựng một am đất, lợp mái lá để tu hành. Vì thế, ban đầu chùa Vạn Linh được gọi là chùa Lá. Nhà sư Thích Thiện Quang ngoài tu hành và thu nạp đệ tử thì còn làm thuốc để trị bệnh cho những người dân xung quanh.

Do đó, nhiều người dân dần dần biết đến ngôi chùa này. Tới năm 1941, khi đệ tử trong chùa ngày càng đông, nhà sư Thích Thiện Quang đã khởi công xây dựng ngôi chánh điện đẹp và bề thế hơn, đồng thời đặt tên chùa là Vạn Linh. Đến năm 1945, chiến tranh nổ ra, nhà sư Thiện Quang và các đệ tử phải lánh đến một chùa khác để tu. Sau đó, nhà sư Thiện Quang qua đời.

Qua nhiều năm tháng chiến tranh, chùa Vạn Linh nhiều lần bị hoang tàn, đổ nát và được xây dựng lại. Mãi tới năm 1995, chùa Vạn Linh mới được xây dựng lại một cách thực sự bằng bê tông cốt thép, kiên cố và hoành tráng hơn. Chùa được mở rộng với diện tích khoảng 6ha và thêm vào nhiều hạng mục như tháp chuông, bảo các, tháp tổ...

Vẻ đẹp của chùa Vạn Linh

Chùa Vạn Linh nằm trên sườn núi Cấm, là một trong bảy ngọn núi nổi tiếng của Thất Sơn, An Giang. Núi Cấm là ngọn núi có độ cao nhất trong bảy núi. Núi Cấm cao khoảng 716m, dài 7.500m, còn chùa Vạn Linh nằm ở độ cao 550m. Lưng tựa núi, mặt chùa hướng về hồ Thủy Liêm vì thế phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Chùa Vạn Linh được thiết kế theo kiến trúc truyền thống của chùa chiền phương Đông, tức là tiền đường nằm phía trước, ở giữa là các bảo tháp và tháp chuông, trong cùng là chánh điện. Phần tiền đường là 3 ngôi tháp lớn nhìn uy nghiêm và nổi bật. Phần bảo tháp có nhiều tháp, trong đó lớn nhất là Bảo các Quan Âm.

Bảo tháp này có 9 tầng, cao 35m, mỗi tầng thờ một vị Phật hoặc Bồ tát khác nhau. Tượng lớn nhất là Bồ tát Di Lặc nặng tới 2,6 tấn. Bức tượng nhẹ nhất cũng nặng tới 1,6 tấn là tượng Bồ tát Văn Thù. Bên cạnh bảo tháp, tháp chuông cũng là công trình đặc sắc với kiến trúc hình bát giác, có hai bức tượng Phật lớn bằng đá cẩm thạch trắng và một quả đại hồng chung nặng tới 1,2 tấn.

Phần chánh điện khá rộng lớn và các tượng ở đây hầu hết đều được tạc bằng đá quý. Đến năm 2011, phần Giảng đường và chánh điện mới được khởi công xây dựng, to đẹp và hoành tráng hơn. Vì thế, phần chánh điện cũ được di dời ra phía sau làm nhà Hậu tổ. Bên cạnh đó, chùa Vạn Linh còn có nhà khách, nhà bếp, trai đường, nhà cho chư tăng học, Niệm Phật đường...

Với nhiều cây cối xanh tươi, không khí trong lành và các công trình tôn giáo đặc sắc, chùa Vạn Linh được xem là danh lam thắng cảnh của khu vực Bảy Núi, An Giang.

Một số lưu ý khi tham quan chùa Vạn Linh

Du khách khi đến tham quan chùa Vạn Linh ở An Giang thì nên lưu ý một số điều sau:

- Ngoài các ngày lễ lớn của đạo Phật, chùa Vạn Linh có tổ chức lễ giỗ Hòa thượng Khai sơn (Thích Thiện Quang) vào ngày 23 và 24 tháng 11 (Âm lịch) hàng năm. Ngày lễ này được tổ chức rất trọng thể và linh đình. Du khách có thể kết hợp du lịch núi Cấm và viếng cảnh chùa vào ngày lễ này để trải nghiệm không khí đông vui, nhộn nhịp ở đây.

- Gần chùa Vạn Linh có chùa Phật Lớn cũng nổi tiếng ở khu vực Bảy Núi. Chùa Phật Lớn nằm trên một đỉnh khác của núi Cấm. Chùa có tượng Phật Di Lặc đã được Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là “Tượng Phật cao nhất trên đỉnh núi châu Á”. Tượng Phật Di Lặc ở đây cao 33,6m. Du khách viếng cảnh chùa Vạn Linh xong có thể đi đến chùa Phật Lớn khá thuận tiện.

- Trước khu vực chùa Vạn Linh có nhiều xe ôm và người bán hàng rong chèo kéo. Du khách nên cân nhắc khi nghe các thông tin từ những người xe ôm này. Tốt nhất là nên tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn để tránh bị chặt chém. Khi quyết định đi xe ôm, du khách nên hỏi giá kỹ càng.

- Du khách có thể nghỉ lại ở các nhà nghỉ xung quanh chùa Vạn Linh và chùa Phật Lớn. Đặc sản ăn uống ở đây là bánh xèo rau rừng. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ du lịch ở khu vực này chưa cao.

Với những thông tin trên đây, Viet Fun Travel hi vọng đã đem đến cho du khách cái nhìn toàn diện hơn về chùa Vạn Linh, một danh thắng nổi tiếng ở An Giang. Chúc du khách khi có dịp đến chùa Vạn Linh sẽ có một chuyến đi đáng nhớ và nhiều niềm vui.

chuaviet.org tổng hợp