Ngôi Chùa Hương - Hà Nội

date
06/10/2020
Chùa Hương nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 65km, là một quần thể chùa thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Đây là nơi được nhiều du khách tìm đến mỗi dịp lễ tết để cầu bình an cho gia đình.

Chùa Hương nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 65km, là một quần thể chùa thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Đây là nơi được nhiều du khách tìm đến mỗi dịp lễ tết để cầu bình an cho gia đình.

Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17, sau đó bị hủy hoại trong kháng chiến chống pháp năm 1947, sau đó được phục dựng lại năm 1988 do Thượng Toạ Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hoà thượng Thích thanh Chân.

Theo cuốn Hương Sơn thiên trù thiền phả, một vị hòa thượng được lệnh của chúa Trịnh (sau khi đi tuần thú) xác định địa điểm và cho xây dựng chùa Hương Tích ở Hà Nội từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1704). Trong khi theo sách Hương Sơn báu quyển, Chùa Hương ở Hà Tĩnh là một động cao và khuất, thường có mây mù bao phủ.

Vậy vì sao lại có thêm một chùa Hương "phiên bản" ở phía Bắc? Câu trả lời là vào thời Lê - Trịnh, các vua Lê - chúa Trịnh phần lớn có quê ở xứ Thanh (xem Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái) nên các phi tần, mỹ nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu. Hằng năm các cung phi, cung nữ Thanh - Nghệ - Tĩnh thường trẩy hội chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18-2 âm lịch bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò bây giờ). Mỗi lần những "người đẹp" đi xa như vậy khiến chúa Trịnh rất phân vân (tuy đã bố trí lính vệ phục dịch dọc đường), do đó chúa Trịnh mới gọi một vị hòa thượng xác định địa điểm ở miền rừng núi Hà Sơn Bình để xây chùa Hương Tích thứ hai mà thờ vọng để các "người đẹp" đi trẩy hội gần hơn (theo dẫn giải của ông Bùi Văn Nguyên, nguyên tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian VN). Như vậy nhờ "sáng kiến" của chúa Trịnh mà Việt Nam có hai chùa Hương Tích.

Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến. Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù (tọa độ: 20°37′5″B 105°44′49″Đ). Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.

Chùa Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên (tọa độ: 20°36′47″B 105°44′4″Đ). Ở lối xuống hang có cổng lớn, trán cổng ghi 4 chữ Hương Tích động môn. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có năm chữ Hán 南天第一峝 (Nam thiên đệ nhất động) khắc năm 1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1739-1782). Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.

Khách gần xa về chùa Hương có người chỉ với mục đích ngắm cảnh, nhưng đã về rồi thì chẳng có ai mà không lên thắp một nén nhang, khấn vài câu cầu bình an cho bạn bè, người thân, gia đình. Thế nhưng đông vui nhất phải là lễ hội chùa Hương. Dòng người kéo về từ khắp ngả, từng con thuyền nhỏ nối đuôi nhau di chuyển trên dòng suối Yến. Lễ hội chùa Hương được xem là lễ hội dài nhất năm với thời gian kéo dài đến 3 tháng, từ mùng 6 tháng riêng cho đến hết tháng 3.

Chùa Hương hương khói quanh năm, không chỉ là thắng cảnh du lịch mà còn là điểm đến tâm linh cho nhiều người, những người muốn tìm về với đất Phật.

chuaviet.org tổng hợp