Những thứ có thể mất đi, liệu có thực sự là đáng quý nhất không?
Sống trên đời này, chúng ta thật sự lo sợ mất đi sự công nhận của xã hội mà mình đang có, mất đi quan điểm và tình cảm vốn có ban đầu, mất đi sự thoải mái của nơi ở và sự bình an của cơ thể, thậm chí ngay cả nghĩ cũng không dám nghĩ đến. Nhưng mọi sự trên đời vốn dĩ đều là vô thường, những điều này là không thể nào tránh khỏi. Điều mà chúng ta có thể làm được, chỉ có thể là thay đổi chính mình, thay đổi quan điểm cố hữu về đối nhân xử thế của chính mình.
Lo sợ mất mát, là vì chúng ta vẫn chưa thấu hiểu được cái gì là thứ quý giá nhất của cuộc đời con người. Nếu những thứ mất đi là những thứ không tốt hoặc là những thứ chưa tốt lắm, thì chúng ta có lo sợ hay không? Chắc chắn là không, mà ngược lại chúng ta còn cảm thấy may mắn.
Thật ra, chúng ta nên biết rằng mọi thứ trên đời này đều là vô thường hết. Thuộc tính này cũng quyết định rằng mọi vật chất đều không phải là tốt nhất, không phải là quý giá nhất. Vì sự hạn chế của trí tuệ nên chúng ta rất khó nhìn thấu mọi thứ một cách rõ ràng.
Đối với cuộc đời của một người mà nói, thứ gì là đáng quý nhất? Thật ra, chúng ta có thể tìm ra một số câu trả lời trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, đặc biệt là trong văn hóa tu luyện truyền thống.
Cách tốt để giải quyết tất cả mọi phiền muộn là gì? Chính là “đánh mất”
Trong cuộc sống, khi chúng ta gặp phải vấn đề và khó khăn, đừng ngần ngại suy nghĩ xem, liệu chúng ta có thể thử thay đổi chính mình không? Thử đánh mất quan niệm cũ vốn có của chính mình, thử không đi theo tư tưởng cũ của mình xem như thế nào.
Khi người khác tranh giành danh lợi với chúng ta, đầu tiên chúng ta sẽ nghĩ đến là “có được”. Vì vậy, chúng ta sẽ ôm giữ tức giận trong lòng, bào mòn tâm tư, nghĩ đủ mọi cách để làm sao có được thứ đó.Trong lúc này, chúng ta dám lựa chọn “đánh mất” không? Chúng ta dám lựa chọn từ bỏ tranh giành không? Có thể, phần lớn mọi nghĩ sẽ nghĩ rằng: “Tại sao tôi phải làm như vậy? Tại sao tôi phải nhường cho anh ta, cô ta? Tại sao tôi phải để cho anh ta/cô ta được lợi?”.
Không tại sao cả! Chỉ đơn giản là cho bản thân một cơ hội để thay đổi chính mình, từ bỏ quan niệm vốn có của mình mà thôi. Nếu chúng ta không thể thực hiện được mỗi lần đều “đánh mất” như vậy, thì cũng có thể thử làm một lần, xem kết quả như thế nào. Những thứ mà chúng ta tranh giành chẳng qua cũng chỉ giống như hình ảnh phản chiếu của một đám mây dưới nước mà thôi, đám mây trắng thực sự thuộc về chúng ta vẫn nằm trên bầu trời.
Vì vậy, nếu như những vật chất và danh lợi đó thực sự thuộc về chúng ta, thì không cần phải quá lo lắng, rồi cuối cùng chúng sẽ quay về bên cạnh chúng ta mà thôi. Bởi vì “người đang làm, trời đang xem”. Nếu như những thứ đó thực sự bị người khác cưỡng đoạt mất, thì cuối cùng họ cũng đánh mất những thứ đó mà thôi.
Thật ra, khi đứng trước sự mâu thuẫn, chúng ta lựa chọn từ bỏ và đánh mất quan niệm vốn có của sự tranh đấu, sự tranh giành, chúng ta sẽ vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra rằng, sự yên bình và thanh thản trong lòng mới là thứ mãi mãi thuộc về chúng ta, mà những thứ này lại chính là suối nguồn của hạnh phúc và sức khỏe. Lùi một bước trời cao biển rộng, nhẫn một lúc sóng yên gió lặng.
“Đi đến cuối nguồn nước, ngồi nhìn mây hiện ra”
“Đánh mất” là sự xả bỏ đối với một cảnh giới thấp hơn, nhưng lại là bước tiến đi đến cảnh giới cao hơn. Nếu thực sự làm được điều này, nó sẽ không còn là hành động miễn cưỡng hữu hình trong thế gian này, mà là hiện thân tự nhiên của sự thăng hoa trong cuộc đời.
Có lẽ, khi chúng ta không ngừng thực hiện được trạng thái tâm tĩnh lặng như mặt nước, thẳng thắn rõ ràng, lương thiện với mọi người, bao dung vạn vật, tấm lòng rộng lượng dung chứa tất cả, chúng ta mới có thể dễ dàng vượt qua được lớp ngăn cách và chướng ngại của sự ích kỷ và cái tôi của chính mình. Mà tất cả những điều này có thể đều sẽ xảy ra ở trong một lớp sâu hơn nữa, những thứ được hiển thị ở trong cuộc sống của chúng ta chẳng qua chỉ là một lớp vỏ bề ngoài mà thôi.
Khi chúng ta thực sự dám không ngừng mất đi tham vọng, hành vi, sự tham lam và tính ngông cuồng của chính mình, thì chúng ta sẽ không còn lo sợ mất đi những vật chất của thế gian nữa, vì tất cả đều trở nên nhỏ bé như những hạt bụi.
Trong khi đó, chúng ta vẫn có thể hưởng thụ mọi thứ trên đời này như bình thường, nhưng khi những thứ vật chất này bị mất đi rồi, chúng ta chỉ cảm thấy như một cơn gió mát thổi qua, chúng ta sẽ không còn đau khổ vì sự mất mát đó nữa. Bởi vì những thứ này đối với người thực sự dám chịu sự đánh mất mà nói đã không còn tác dụng nữa rồi. Biển lớn sẽ không quan tâm đến sự bốc hơi của một giọt nước.
Lưu luyến cảnh đẹp dưới chân có thể sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ đỉnh núi cao hơn
Con người luôn cho rằng mọi thứ của mình đều là thứ tốt đẹp, cho rằng suy nghĩ là lựa chọn của mình đều luôn đúng, cho rằng sự cố gắng và kinh nghiệm của mình là tốt nhất. Có lẽ, đây đều là do “ cái riêng” và “cái tôi” tạo thành. Đương nhiên, chúng ta có thể cho rằng mọi thứ của mình đều là thứ tốt, nhưng không thể quá cứng nhắc và mắc kẹt trong đó.
Có lẽ, trong một phạm vi nhỏ nhất định nào đó, những thứ này của một cá nhân nào đó là rất tốt và rất có ích. Nhưng đem nó phóng to ra phạm vi rộng lớn hơn, đặt nó vào một mức độ sâu hơn nữa, thì rất có thể những hạn chế của nó sẽ được biểu hiện ra rất rõ ràng.
Những cái riêng mang tính hạn chế này sẽ khiến chúng ta dễ dàng rơi vào trong trong khuôn khổ cố hữu của những quan niệm cá nhân, khó mà thoát ra được. Dám không ngừng phủ định cái riêng và cái tôi của mình trong đời sống này thì mới là sự đảm bảo cho cuộc sống thăng hoa ở cấp độ cao hơn.
Từ xưa đến nay, rất nhiều người có thành tựu to lớn, các nhà khoa học, những nghệ sĩ tuyệt vời đều là những người dám từ bỏ vinh quang và tư tưởng ban đầu của mình, đồng thời sống cuộc đời yên bình, không ngừng thách thức cái tôi, đột phá cái tôi nên mới có được những thành tựu vĩ đại. Nếu như chỉ lo lưu luyến phong cảnh đẹp ở dưới chân, chúng ta sẽ rất khó có thời gian và hoài bão để trèo lên những đỉnh núi cao hơn.
Cuộc đời như một bàn cờ, đối thủ của mình là “cái tôi” của chính mình
Cuộc đời giống như một bàn cờ, đối thủ đấu cờ với mình chính là quan niệm của cái tôi. Đây là một quá trình vô cùng khó khăn, ngay cả muốn nhận biết rõ đối thủ của mình cũng là một chuyện không dễ dàng chút nào, bởi vì “người trong cuộc u mê, người ngoài cuộc tỉnh táo”. Vì vậy, không cần phải yêu cầu chiến thắng trong mỗi bước đi, chỉ cần trong mỗi bước đi của ván cờ cuộc đời, chúng ta đều có thể không ngừng nhìn nhận rõ và vượt qua cái tôi của chính mình, thì người thắng cuộc cuối cùng mới là bản thân chúng ta.
Thật ra, dựa vào thái độ này để chơi cờ, đến thời khắc cuối cùng của ván cờ, có lẽ chúng ta đã không còn quan trọng thắng thua cuối cùng nữa, bởi vì ván cờ vừa bắt đầu thì bạn đã là người chiến thắng rồi, vì khi bạn bố trận ở nước cờ đầu tiên là cuộc đời của bạn đã bắt đầu thăng hoa rồi.
Trong quá trình đấu cờ, chẳng qua chỉ là loại bỏ những thứ không tốt đẹp mà thôi. Đương nhiên, nếu như trong một khoảng thời gian nhất định, là sẽ nhanh chóng vượt mặt “cái tôi” rất xa, đó thật sự là một chuyện rất đáng mừng, nhưng quá trình chiến thắng cái tôi của chính mình này chắc chắn là một quá trình vô cùng gian nan.
Liên tục đánh mất liên tục thăng hoa
Phát hiện và đánh mất quan niệm cá nhân vốn có tuy là một quá trình rất khó khăn, nhưng thực sự cũng là một con đường tắt để cuộc đời thăng hoa. Cũng giống như thác nước của một con suối, mỗi lần gặp phải khó khăn, thật ra chính là mỗi một quá trình thanh lọc, sau khi loại bỏ hết những tạp chất không tốt, chúng ta vẫn tươi mới như lúc đầu.
Hãy thử tưởng tượng và thử thực hành xem, trong những sự việc và con người mà chúng ta gặp phải hôm nay, chúng ta phát hiện ra mình có bao nhiêu lòng tham? Bao nhiêu ý nghĩ xấu? nếu như phát hiện ra rồi, chúng ta có thể cố gắng loại bỏ một chút ý nghĩ và hành vi xấu đi được không? Vậy chúng ta sẽ còn lại những quan niệm và hành vi xấu nào nên loại bỏ? Nếu như hôm nay, chúng ta thực hiện được loại bỏ một chút suy nghĩ xấu xa, thì nghĩa là chúng ta thăng hoa được một chút.
Nếu như trong bảy ngày tiếp theo, chúng ta đều có thể tiếp tục làm như vậy, mỗi ngày loại bỏ một chút suy nghĩ và hành vi không tốt, sau đó, kiên trì thêm hai tuần, rồi 30 ngày đều cố gắng làm như vậy. Có lẽ đến ngày thứ 31, đột nhiên nhìn lại, chúng ta sẽ phát hiện thì ra có rất nhiều sự việc, chúng ta có thể dùng rất nhiều góc độ và thái độ khác nhau để nhìn nhận đánh giá, thì ra có rất nhiều chuyện đều có thể nhẹ nhàng như một cơn gió.
Vô úy nghĩa là không sợ hãi, không có bất cứ nỗi sợ nào trong lòng. Vô úy là một sự tự do về mặt tinh thần và thể xác. Buông bỏ mọi thứ mà không chút sợ hãi chính là sự thăng hoa trong cuộc sống ở mức độ cao.
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)