Gồm 6 Phật cảnh: Phật đản sanh, Phật xuất gia, Phật khổ hạnh, Phật thành đạo, Chuyển pháp luân, Phật nhập Niết bàn, các tượng Phật được thiết kế rất hoành tráng và cân đối, hài hòa. Trong khuôn viên rộng rãi và thoáng mát, Bạch Liên Tự như làm bừng sáng lên cả một vùng bởi vẻ tinh sạch và thuần khiết: những con đường và những hàng cây nối dài và chạy vòng quanh. Trên những tán lá biếc xanh, từng đóa sứ trắng ngà tỏa hương nồng nàn.
Cổng chùa Bạch Liên nhìn từ trong sân chùa
Ngày nay, Phật Tích Tòng Lâm được xưng tụng như là một trong những thắng cảnh của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Vào một ngày nắng ấm, bạn hãy hành hương về đây, trong không gian tràn đầy bóng cây râm mát của những tàng cổ thụ, bạn thử dạo theo dòng suối uốn quanh, nước trong xanh in bóng cảnh quan tuyệt đẹp và bầu trời khoáng đạt.
Tổ đình Phật tích tòng tâm
Chùa Bạch Liên toạ lạc tại ấp Thanh Nguyên, xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai. Đường đến chùa có thể đi theo Quốc lộ 51 (hướng từ Vũng Tàu về Biên Hoà), vượt qua thị trấn Long Thành khoảng 3km về hướng Bắc, nhìn sang đối diện xí nghiệp bò sữa An Phước bạn sẽ trông thấy cổng tam quan ghi bốn chữ “Phật Tích Tòng Lâm”.
Theo con đường đất đỏ vào khoảng 300m thì tiếp cận với chùa Bạch Liên – một khu công trình với quần thể cụm chùa có nghệ thuật kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo. Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên và các mảng kiến trúc chùa phật tạo cho Bạch Liên nét đặc trưng hội đủ yếu tố của một quần thể nghệ thuật kiến trúc – danh thắng Phật giáo mang đậm phong cách Á Đông vừa cổ kính, vừa hiện đại nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.
Khi kiến thiết xây dựng làng Phật Tích Tòng Lâm, tâm nguyện lớn nhất của Hoà thượng Thượng Nhựt Hạ Minh là chính ngay trên vùng đất này một trung tâm Phật giáo lớn của khu vực được hình thành và mở rộng nhằm đào tạo tăng, ni góp phần vào việc kế tục và phát triển mối đạo, xiển dương chánh pháp. Hai cơ sở để Hoà Thượng chọn nhằm thực hiện tâm nguyện là phát triển Phật Tích Tòng Lâm (Tăng giới) song song với việc duy trì và phát triển Quan Âm Ni Viện (Ni giới).
Ngược thời gian trở về với những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, thưở Quan Âm Ni Viện (tiền thân của chùa Bạch Liên) được hình thành với diện tích khoảng 80m2 (8m x 10m) mái lợp tôn xi măng, vách tường, nền tráng xi măng. Cảnh quan chùa Bạch Liên khi đó có thể mô tả sơ lược: phía trước có đài Quan Âm lộ thiên được tôn trí trên hồ nước trồng toàn sen trắng.
Bảo điện thờ Đức Phật Thích Ca, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát. Năm 1964, chùa do Sư cô Diệu Minh quản lý. Thời gian trôi nhanh, chiến tranh lan rộng, cảnh chùa vắng lặng, u tịch. Năm 1982, Sư cô Thích Nữ Như Linh trụ trì. Ngày 19/9/1982, ngôi chùa được khởi công trùng tu trên nền cũ và đổi danh tự thành chùa Bạch Liên.
Nếu từ trên cao nhìn xuống, chùa Bạch Liên hợp cùng Phật Tích Tòng Lâm tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hoà, trang nghiêm, thanh tịnh, hội đủ các yếu tố của một danh thắng. Là ngôi chùa có vườn tượng Phật lộ thiên lớn nhất Việt Nam, Phía trước chùa Bạch Liên là dòng suối giải thoát trong vắt với những cây cầu bắt ngang được thiết kế cách điệu tạo dáng đẹp nối liền khuôn viên của chùa Bạch Liên và Phật Tích Tòng Lâm.
Sự kết hợp này mang tính chủ định như khẳng định sự tồn tại diên trường của nền đạo pháp. Dọc đôi bờ của dòng suối giải thoát chúng ta sẽ được tiếp cận với các hạng mục kiến trúc đơn lẻ như: Bảo đài Thiên thủ Thiên nhãn, Bảo đài Đức Di Lặc, Thánh miếu Cửu Thiên Huyền Nữ, 6 cảnh động tâm của Đức Phật: đản sanh, xuất gia, khổ hạnh, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết Bàn. Bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã kết hợp hài hòa những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc, hội họa, kiến trúc làm nên những Phật tích mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Bảo tháp
Tất cả các hạng mục công trình được phân bố đan xen cùng các mảng cây xanh nối liền, trải dài tạo không gian thoáng đạt, thuần khiết của cõi Phật. Nơi đây cũng được tô điểm bởi hệ thống câu đối chữ Hán và các mảng hoa văn hình học, sen dây tạo sự uyển chuyển nhưng không kém phần sâu lắng.
Nét kiến trúc cơ bản của chùa Bạch Liên là giản dị, mang đậm phong cách Á Đông thể hiện trên các đầu dao cong vút, mái ngói chồng diêm, hoa văn kỷ hà, Bửu tháp…Nghệ thuật bài trí trong chùa được dùng hai phông màu trắng, xanh hoà quyện nhau. Màu xanh của ngói lưu ly, màu lá sen, màu của các mảng cây xanh, màu trắng của các mảng trang trí sen búp, sen dây…tạo nên một vùng không gian thanh khiết.
Khi được hỏi vì sao cả một khu công trình hoành tráng không có gam màu vàng truyền thống của cảnh chùa chiền? Ni sư Thích nữ Như Linh, trụ trì chùa Bạch Liên bộc bạch rằng: lúc còn là cư sĩ, ni sư rất yêu hoa sen trắng bởi nó là biểu tượng của tinh khiết, vô nhiễm bụi trần. Về sau, sống đời xuất gia, Ni sư càng thấy hoa sen trắng đúng là biểu tượng của bậc chân tu. Vì vậy, khi hội đủ nhân duyên xây chùa, ni sư đặt tên là Bạch Liên và cũng không ngờ, cụm tượng "lục cảnh động tâm" màu trắng nguyên sơ ở đây đã làm cho Phật Tích Tòng Lâm trở nên độc đáo, có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Quả thật, vào những ngày cuối tuần và các dịp đại lễ, Bạch Liên tự ở Phật Tích Tòng Lâm thường là điểm tham quan của đông đảo du khách. Đến đây, mỗi người như cảm thấy tâm hồn thư thái. Một khi chiêm bái Phật cảnh, du khách sẽ được khai tâm và mở mang về mặt tri thức, tất cả những lo toan đời thường trút bỏ lại sau lưng.
Như đóa sen trắng nổi lên giữa màu xanh mênh mông của nền trời, Phật Tích Tòng Lâm với vẻ trang nghiêm của các công trình thờ tự, lối kiến trúc thanh thoát, sự khoáng đạt giữa thiên nhiên đã tạo nên một từ trường tâm linh tác động sâu xa thân tâm mỗi du khách. Dạo quanh khuôn viên chùa, lắng nghe tiếng xào xạc của cành lá, của gió hoà quyện cùng tiếng chuông chùa, ta như thông dung với cõi thường hằng.
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)