Chùa Munir Ansay nổi bật giữa lòng thành phố
Chùa Munir Ansay (Munirensay) tọa lạc tại số 36 đại lộ Hòa Bình, Quận Ninh Kiều – con đường sầm uất và khá đẹp của thành phố Cần Thơ. Có lẽ cũng không nhiều người biết rằng, từ khi bắt đầu hình thành năm 1948, Chùa lúc ấy được xây dựng chỉ bằng tre lá. Sau nhiều đợt trùng tu, xây dựng chùa mới có dáng vẻ như ngày nay. Năm 1954, phần cổng chùa có mô hình tháp của Angkovat mới được xây dựng. Rồi mãi cho đến năm 1964, tới phần Chánh Điện được xây dựng và khánh thành năm 1988. Đến thời điểm này, Chùa Munir Ansay mới thực sự hoàn thiện như du khách thấy ở hiện tại.
Chùa Munir Ansay – Ngôi chùa Khmer độc đáo ở Cần Thơ
Đến Munirensay, du khách sẽ được ngắm một ngôi chùa với lối kiến trúc đậm chất “Angkor” của người Campuchia, được xây dựng gồm nhiều hạng mục khác nhau. Các hạng mục chính bao gồm chính điện, các dãy nhà tăng, nhà bếp, hội trường tiếp khách, tháp để tro cốt người chết, tháp Xá Lợi và cổng chính được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ theo lối tín ngưỡng các vị thần của người Khmer.
Cổng chính Chùa Munir Ansay
Từ bên ngoài nhìn vào, bên trái sẽ là dãy nhà cho sư sãi, bên phải là hội trường để tiếp khách, dùng cơm và chính giữa chùa là chánh điện 2 tầng, phía trước chánh điện là tháp để Xá Lợi Phật.
Khi vừa đặt chân đến cổng chùa, du khách cảm thấy ngôi chùa nổi bật lên một màu vàng rực rỡ, tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng. Cổng chùa được xây theo kiểu hình tháp tam bảo, ba ngôi tháp nằm song song trên cổng đứng sừng sững giữa không trung, giúp du khách cảm nhận được sự tôn nghiêm nơi thờ tự. Ba ngọn tháp này cũng được sơn màu vàng rực rỡ. Đây là màu sắc truyền thống thường được trang trí trong các ngôi chùa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cổng chùa có mô hình tháp của Angkovat
Mặc dù tọa lạc tại trung tâm thành phố nhưng sân chùa khá thoáng đãng, không gian rộng rãi và yên bình. Từ cổng nhìn vào, du khách sẽ bắt gặp một tòa bảo tháp màu vàng lộng lẫy đứng sừng sững giữa sân như bức bình phong che chắn cho khu vực chính điện.
Mỗi tầng trong bảo tháp là một tượng phật nhỏ minh chứng cho sự sùng đạo của đồng bào Khmer hiền hòa, hiếu khách. Xung quanh bảo tháp được đắp nổi phù điêu tam bảo, tượng tiên nữ Keynor, tượng chim thần Kurd, tượng Phật bốn mặt…
Phía sau bảo tháp là cầu thang dẫn lên khu vực chính điện. Cũng như các chùa Khmer khác, chính điện luôn quay về hướng đông vì theo Phật giáo thì hướng Đông là hướng của các vị thần thánh.
Khu vực này được xây cao, cách mặt đất hơn 1 mét nên rất thoáng đãng và sạch sẽ. Xung quanh gian chính điện được trang trí bằng nhiều phù điêu đắp nổi, tượng tròn, chạm khắc, thể hiện các hình tượng Reahu (Hổ phù), Tiên nữ, chim thần Kâyno, Chằn Yeak…làm cho bên ngoài gian chính điện khi nhìn vào trông thật lộng lẫy.
Nhìn vào lớp hình tượng trang trí này, người ta dễ nhận ra những đặc trưng tín ngưỡng dân gian và Bàlamôn – vốn là những tín ngưỡng và tôn giáo có trước đạo Phật trong đời sống tâm linh của người Khmer.
Xung quanh gian chính điện được trang trí bằng nhiều phù điêu đắp nổi lộng lẫy
Chùa chỉ thờ duy nhất một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, chính điện được bài trí khá đơn giản, bệ thờ được chia thành nhiều cấp. Tượng Phật Thích ca Mâu Ni còn được đúc, chạm, khắc rất đẹp ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi. Đó là thể hiện sự đa dạng, phong phú của ý nghĩa đạo đức và vẻ đẹp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ở ngôi chính điện còn là nơi lưu giữ của cải quý báu của nhà chùa và dân chúng dâng cúng.
Tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Các tăng sĩ trong chùa theo hệ phái Nam Tông (hệ phái Nam Tông chỉ ăn bữa sáng và bữa trưa). Tại chùa còn hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho những sinh viên người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn đến từ các tỉnh thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hằng năm, tại chùa Munir Ansay đều có tổ chức các ngày lễ lớn như Cholchonam Thomay – tết năm mới (ngày 13, 14, 15 tháng 3 âm lịch), Ok-om-Book – lễ đưa nước (tháng 10 âm lịch), Donta – lễ cúng ông bà (tháng 8 âm lịch), lễ Dâng Y của đồng bào Khmer… Lễ được tổ chức vui tươi trang trọng, có nhiều trò chơi dân gian đậm chất địa phương, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer nói riêng và người dân thành phố Cần Thơ nói chung.
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)