Trong cuộc đời, mỗi người không chỉ cần làm việc thiện mà còn phải học cách nói lời thiện. Bởi nếu không chú ý, rất có thể sẽ nhất thời thỏa cái miệng mà chịu cái họa diệt thân. Lợi hay hại, họa hay phúc của đời người, đôi khi lại do lời nói của bản thân quyết định.
Nói nhiều bất lợi, học cách im lặng để giữ mình
Hạ Nhược Đôn là đại tướng nhà Bắc Chu thời Nam Bắc Triều, nổi tiếng kiêu dũng thiện chiến. Sau chiến dịch bình định Tương Châu, ông tự cho rằng bản thân đã lập được công lớn nên sẽ được triều đình phong thưởng. Nào ngờ ông bị gian thần vu cáo hãm hại, không những không được ghi nhận công lao mà còn bị giáng chức, khiến trong lòng ông uất hận bất bình mãi không thôi.
Hạ Nhược Đôn không kiềm chế được nên đã nổi giận với sứ giả, nói ra những lời oán hận khó nghe. Quyền thần Vũ Văn Hộ vốn bất mãn với ông từ lâu, nên luôn chờ cơ hội “phải hạ bệ Hạ Nhược Đôn thì mới hả dạ”. Lần này nhân lúc Hạ Nhược Đôn đắc tội với sứ giả, Vũ Văn Hộ bèn lập tức điều Hạ Nhược Đôn về triều đình ép ông tự sát.
Trước khi chết, Hạ Nhược Đôn trăn trối với con trai là Hạ Nhược Bật rằng: “Ta có chí bình định Giang Nam, nhưng lòng này không được toại nguyện. Con phải hoàn thành chí ta. Ta vì miệng lưỡi mà chết, con không thể không suy nghĩ”. Nói rồi Đôn lấy dùi đâm rách lưỡi con trai, muốn con trai thấu hiểu nỗi đau đớn mà ghi nhớ lời giáo huấn xương máu của cha lúc lâm chung.
Về sau, Hạ Nhược Bật trở thành đại tướng hữu lãnh quân của triều Tùy. Trong chiến dịch diệt Trần ông được bổ nhiệm làm Tổng quản Hành quân, là vị tướng oai phong lẫm liệt không ai sánh bằng.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Bật đã quên lời răn dạy của cha. Khi thấy Dương Tố được ngồi lên chiếc ghế cao Thượng thư Hữu bộc xạ mà mình thì vẫn chỉ là một tướng quân, Hạ Nhược Bật phẫn uất tuôn ra những lời bới móc, thể hiện tâm trạng bất mãn của mình.
Một số người hiếu sự bèn đem lời của Bật kể lại với Tùy Văn Đế Dương Kiên. Dương Kiên tống giam Bật vào ngục, sau vì niệm tình Bật có nhiều công lao nên mới thả ra. Nào ngờ, Bật không những không cảnh giác giữ mình, trái lại còn khoe khoang rằng bản thân có quan hệ mật thiết với Thái tử Dương Dũng. Sau này Dương Dũng thất sủng bị phế bỏ, Bật lại đứng trước đông đảo quần thần mà nói lời bất bình cho Dương Dũng.
Tùy Văn Đế tức giận triệu Bật đến chất vấn: “Ta dùng Cao Dĩnh, Dương Tố làm tể tướng. Khanh nhiều lần trước đông đảo mọi người nói bới móc, nói họ những gì, nào là bất tài vô năng, chỉ biết ăn uống hưởng lạc, vậy là có ý gì? Là có hàm ý nói ta làm hoàng đế cũng chỉ là đồ bỏ đi đó chăng?”.
Hạ Nhược Bật chỉ biết phủ phục dưới thềm xin tha tội. Nhưng Tùy Văn Đế vẫn không nguôi ngoai cơn giận, đã tước quan giáng Bật làm dân thường. Tuy nhiên một năm sau lại khôi phục tước vị cho Bật nhưng không trọng dụng. Sau khi Tùy Dạng Đế kế vị, Bật lại vì bàn luận về sự xa xỉ của nhà vua mà bị Tùy Dạng Đế giáng tội chết.
Cha con Hạ Nhược Bật đã để lại bài học xương máu cho hậu thế: Nói nhiều bất lợi, học cách ngậm miệng giữ mình. Nhược bằng ngậm miệng giấu lưỡi, an thân thì mọi việc đều tốt đẹp.
Trong Hồng Lâu Mộng có người gia nhân tên là Tiều Đại. Từ nhỏ, Tiều Đại đã theo Ninh Quốc Công là Giả Diễn ra chiến trường, nhiều lần cứu chủ ra khỏi đám binh lính tử trận. Không có cơm ăn, hễ kiếm được thứ gì Tiều Đại đều đem về cho chủ. Không có nước uống, chật vật mãi mới kiếm được nửa bát nước, Tiều Đại cũng dâng lên cho chủ, còn mình thì phải uống nước tiểu của ngựa.
Người trong Ninh Phủ ai cũng biết công lao của Tiều Đại, ngay cả các ông lớn, bà lớn cũng phải nhượng bộ ông ta đôi phần. Nhưng ông ta lại ghét cay ghét đắng cuộc sống xa hoa phè phỡn của những kẻ hậu thế trong phủ Ninh Quốc. Và vì không biết giữ mình giữ miệng, những lúc rượu ngà ngà say, Tiều Đại lại lôi hết chuyện xấu xa trong phủ Ninh Quốc ra, nên đã bị trói lại rồi bị nhét đầy đất và phân ngựa vào miệng.
Lanh lợi 10 phần chỉ dùng 7, khéo mồm khéo miệng chẳng có nhân
Khổng Tử nói: “Kẻ miệng lưỡi khéo léo, nét mặt tươi cười đón ý lấy lòng người khác thì rất ít lòng nhân” (Nguyên văn: Xảo ngôn lệnh sắc, tiển hĩ nhân). Người thông minh thực sự sẽ biết kiểm soát cái miệng, trong tâm có chừng mực, lanh lợi 10 phần cũng chỉ dùng đến 7, để lại 3 phần.
Khổng Tử Gia Ngữ kể rằng, Khổng Tử từng dẫn học trò đi chu du các nước. Khi đoàn người đến chiêm ngưỡng ngôi đền Thái tổ Hậu Tắc của nhà Chu, họ thấy trước bậc thềm phía tay phải có một pho tượng người bằng đồng. Điều kỳ lạ là pho tượng đồng này có 3 miếng bịt miệng, trên lưng khắc hàng chữ: “Đây là người thận trọng lời nói thời cổ xưa, hãy cẩn thận, chớ nói nhiều, nói nhiều thất bại nhiều”.
Bức tượng đồng trên cũng chính là nguồn gốc của câu thành ngữ: “Bịt miệng 3 tầng”. Từ xưa đến nay, các bậc hiền triết đều khuyên răn chúng ta: Phải hết sức cẩn thận, không được nói nhiều, nói nhiều ắt sẽ lỡ miệng, bất kể việc gì cũng phải giữ được thái độ cẩn thận “như đứng bên bờ vực sâu, như đi trên lớp băng mỏng”.
Kinh Dịch cũng viết: “Người may mắn tốt lành ít nói, người nóng vội bộp chộp nói nhiều”. Người có đức cao thượng tốt lành tự biết làm việc thiện chưa đủ, không phải bất đắc dĩ thì không nói. Người nóng vội bộp chộp, hấp tấp vội vàng khoe tài, lòng đầy bồn chồn, nên bộc phát ra lời nói.
Nói là một loại năng lực nhưng im lặng lại là trí huệ. Chúng ta phải mất 2, 3 năm để học nói nhưng phải mất cả đời để học cách im lặng.
Thế nên khi mở miệng thì hãy nghĩ đến lời khuyên răn: “Lưỡi là gốc của lợi hại, miệng là cửa của họa phúc”. Cẩn thận với lời ăn tiếng nói, học cách im lặng, trở thành người sáng suốt, miệng có chừng mực, tâm có con đường.
Hồng Anh/Chuaviet.org (tổng hợp)